Theo TS Cấn Văn Lực, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đi từ đáy rồi dình lên và sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm tới – 2021…
Vào lúc này, khi mà hầu hết người dân đều có được cảm giác sống bình thường như chưa từng vừa xảy ra đại dịch, Chính phủ vẫn phải tiếp tục trên cung đường căng thẳng để thiết lập trạng thái bình thường mới.
Kịch bản chưa từng có tiền lệ
Hiện, Chính phủ đã sẵn sàng hai kịch bản cho nền kinh tế năm 2020. Kịch bản thứ nhất, nếu Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4, còn các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam khống chế được trong quý III, thì dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019.
Kịch bản thứ hai, nếu thời gian khống chế và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam vẫn như kịch bản 1 nhưng các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam phải đến quý IV mới khống chế được dịch, thì dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019.
Bình luận về kịch bản tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mức tăng trưởng dự kiến từ 4%-5% hoặc hơn 5% là hợp lý và có thể khả thi, tất nhiên phải có các yếu tố phụ thuộc.
TS Lực cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng này phải phụ thuộc vào 3 yếu tố quan trọng: thứ nhất là khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và thế giới; thứ hai là hiệu quả của các gói hỗ trợ cũng như khả năng khôi phục hoạt động kinh tế xã hội và thứ ba là việc hợp tác quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh.
“Tôi cho rằng tính khả thi với những mục tiêu điều chỉnh đó là có thể đạt được” – ông nói. Mô hình phục hồi chữ V là lý tưởng tất nhiên không dễ gì đạt được bởi vì Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng thì những tác động từ môi trường khách quan bên ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, “nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi từ đáy rồi dình lên và sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm tới – 2021. Dự báo năm nay phấn đấu phục hồi kinh tế ở mức 4-5% và năm tới có thể bật trở lại ở mức 7%” – TS Lực nói.
Tháo gỡ các nút thắt trong giai đoạn khủng hoảng
Chia sẻ thêm về thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam hiện đang phải đối với mặt 7 khó khăn và thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID: Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh (giảm 4,3% so với cùng kỳ); sản xuất công nghiệp thấp nhất trong 10 năm qua, hầu hết các ngành đều sụt giảm (IIP tháng 4/2020 chỉ tăng 1,8% so với mức tăng 5,1% cùng kỳ 2019); Xuất nhập khẩu tăng nhẹ nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 2;
Vốn đầu tư FDI suy giảm (FDI đăng ký giảm 15,5%, vốn đăng ký theo hình thức góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh -65%); nguồn thu Ngân sách nhà nước gặp khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công cải thiện chậm (tăng nhẹ 1,47%); tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu dự kiến tăng lên (hết tháng 4/2020, tăng trưởng tín dụng đạt mức 1,32% so với mức tăng 4,6% cùng kỳ 2019); khối doanh nghiệp gặp khó khăn với số lượng tạm dừng hoạt động tăng 33,6%.
Nhằm giải quyết các khó khăn của nền kinh tế đất nước, TS. Cấn Văn Lực đã nêu rõ các lợi ích và tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính tại thời điểm này. "Cải cách thủ tục hành chính mang lại rất nhiều lợi ích lớn, đặc biệt là sẽ cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để thu hút đầu tư và kinh doanh, nhất là niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, nó còn khuyến khích đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.
Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Vị chuyên gia đã đưa ra 4 giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt trong giai đoạn khủng hoảng đối với khối doanh nghiệp và hiêp hội.
"Các doanh nghiệp có thể thực hiện theo mô hình 3Rs là Respond, Recover và Re-invent. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số, đẩy mạnh cải cách hành chính một cách thực chất, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp và các hiệp hội cần phải tăng cường kết nối, tham gia chuỗi giá trị, qua đó đóng góp tiếng nói với Chính phủ để cùng nhau tìm ra giải pháp phục hồi hiệu quả nhất", ông Lực cho biết.
Có thể bạn quan tâm