Hai kịch bản "vực dậy" nền kinh tế hậu COVID-19

THY HẰNG 20/05/2020 17:43

Nếu thuận lợi, GDP năm 2020 có thể tăng trưởng 4,4-5,2% và phấn đấu đạt 5,4%, nhưng nếu khó khăn hơn chỉ có thể đạt mức 3,6-4,4%. Chính phủ đưa ra hai kịch bản chưa từng có tiền lệ cho kinh tế 2020.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Chính phủ đưa ra 2 kịch bản dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 với các tính toán về GDP và điều chỉnh 6 chỉ tiêu phát triển, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Chính phủ đưa ra 2 kịch bản dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 với các tính toán về GDP và điều chỉnh 6 chỉ tiêu phát triển, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện với 2 giả định. Một là, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020.

Hai là, tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ra dự kiến có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó phương án tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đồng thời cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến có 6 chỉ tiêu cần điều chỉnh so với kế hoạch trước đây.

Cụ thể, GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%);

Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao; Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); Tỉ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng nhận định rằng: "Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 như nghị quyết của Quốc hội đã đề ra (6,8%) là không khả thi, dự kiến hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020 khá lớn (khoảng 130.000 - 150.000 tỉ đồng) trong khi nhu cầu chi tăng cao để ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, cân đối ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng rất lớn". 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 4 tháng ước đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó phần lớn các khoản thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đề nghị thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép. Lưu ý hoàn thiện cơ chế về đấu thầu trong mua sắm dịch vụ công, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đấu thầu.

Trong các giải pháp đưa ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa. 

Phát huy vai trò của quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.

Đồng thời cần khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Cử tri bất bình việc cán bộ trục lợi từ mua sắm thiết bị y tế

    17:18, 20/05/2020

  • Bộ GTVT trình Quốc hội giải pháp xử lý 4/19 điểm nóng trạm BOT

    11:57, 20/05/2020

  • Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: Có ý kiến đề nghị báo cáo việc kiểm tra yếu tố hình thành giá thịt lợn tại doanh nghiệp lớn

    11:11, 20/05/2020

  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Kỳ họp đặc biệt ghi dấu sự đổi mới, quyết tâm tạo động lực để tiến bước

    10:40, 20/05/2020

  • Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020

    10:15, 20/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai kịch bản "vực dậy" nền kinh tế hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO