Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Mỹ?
Nền kinh tế Mỹ đang lao dốc với mức độ “không phanh” khi GDP quý II sụt giảm lên đến 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số “tồi tệ” này được ghi nhận là mức giảm mạnh nhất trong hồ sơ kể từ năm 1947.
Đây là một sự sụt giảm đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, sự bùng phát trở lại của COVID-19 đã đẩy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải đóng cửa lần thứ hai ở nhiều nơi trên đất Mỹ, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng lên gần 15% và kéo theo một loạt các hệ lụy về mặt kinh tế và xã hội cho nước Mỹ.
Con số thất nghiệp kỷ lục
Với hơn 1,4 triệu người Mỹ bị sa thải hoặc nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước cho thấy dấu hiệu một thị trường việc làm suy yếu như thế nào. Đó là tuần lễ thứ 19 liên tiếp, có hơn 1 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Trước khi COVID-19 bùng phát vào tháng 3, số người Mỹ tìm kiếm séc thất nghiệp chưa bao giờ vượt quá 700.000 trong bất kỳ thời điểm nào, thậm chí ngay cả trong cuộc Đại suy thoái năm 2008.
Mới đây, thêm 830.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo một chương trình mới “hỗ trợ có điều kiện” cho những người lần đầu tiên mất việc, đã đưa đến con số chính thức rơi vào khoảng 30 triệu người Mỹ đang nhận được một số hình thức hỗ trợ thất nghiệp trên khắp các tiểu bang.
Và “nỗi đau của nền kinh tế Mỹ” có thể sớm tăng lên khi 600 đô la bổ sung trong trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của liên bang sắp hết hạn. Trong khi Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi “ỏm tỏi” về việc “có hay không” gia hạn viện trợ.
Thêm vào đó, các tin tức kinh tế nghiệt ngã đã làm tổn thất sâu sắc trên Phố Wall. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm liên tục trong các phiên giao dịch gần đây.
Có thể nói, cộng với sự sụt giảm kinh tế 5% của quý trước, nền kinh tế Mỹ chính thức bước vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng do COVID-19 gây ra, chấm dứt sự mở rộng kinh tế 11 năm, dài nhất trong lịch sử tại Hoa Kỳ.
Chỉ số chi tiêu đang “chạm đáy”
Sự co lại nền kinh tế Mỹ đang được chứng kiến bởi sự sụt giảm sâu trong chi tiêu của người tiêu dùng. Trên thực tế, chi tiêu tiêu dùng đang chiếm vào khoảng 70% hoạt động kinh tế. Theo một công ty phân tích thị trường Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng nước này đã giảm sút lên đến 34,6% so với hàng năm do hầu hết các đơn đặt hàng đóng băng và nhiều nhà hàng, quán bar, địa điểm giải trí, các cơ sở bán lẻ khác phải đóng cửa.
Miền Nam và miềnTây nước Mỹ đã bắt buộc phải đóng cửa các quán bar, nhà hàng, thẩm mỹ viện và các doanh nghiệp khác khi làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại. Nhiều tiểu bang đã áp đặt các hạn chế đối với du khách, điều này đang làm tổn thương các khách sạn, hãng hàng không và các ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào du lịch.
Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics cho biết, sự sụt giảm của GDP quý II đã gây ra tác động chưa từng có đối với nền kinh tế Mỹ từ đại dịch. Và nước Mỹ có thể sẽ mất rất nhiều năm để phục hồi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, nhiều nhà kinh tế lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi đại dịch bị đánh bại. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell cảnh báo rằng, đại dịch COVID-19 đã gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế nước Mỹ và có thể, Fed sẽ có kế hoạch giữ lãi suất gần bằng 0 trong tương lai.
Tổng thống Trump đang bế tắc?
Một số nhà phân tích nhận định, Donald Trump đang gặp khó khăn để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai với tư cách ông chủ Nhà Trắng!
“Quá tồi tệ” là những nhận định từ các chuyên gia kinh tế khi chứng kiến sự sụt giảm kinh tế nước Mỹ trong quý trước. Thời điểm đó, hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán nền kinh tế nước này sẽ “phục hồi mạnh mẽ” trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 hiện tại.
Tuy nhiên, với tỷ lệ các trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận đã tăng ở hầu hết các bang, nhiều doanh nghiệp buộc phải rút lại việc mở cửa trở lại và Thượng viện Mỹ đề xuất thu hẹp viện trợ của chính phủ cho người thất nghiệp, nền kinh tế có thể còn “tồi tệ hơn” trong những tháng tới.
Và như thường lệ, ngay sau khi dữ liệu kinh tế ảm đạm được chính phủ Mỹ công bố, Tổng thống Trump đã chuyển hướng chú ý bằng cách đề nghị trì hoãn một cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11, dựa trên những cáo buộc "rất không căn cứ" của ông rằng: “việc bỏ phiếu qua thư rộng rãi sẽ dẫn đến gian lận”.
Có vẻ như Donald Trump đang cảm thấy bế tắc khi những dữ liệu kinh tế nước Mỹ thời điểm này đang không đứng về phía ông. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng, ngày của cuộc bầu cử tổng thống được quy định trong luật liên bang và nếu Donald Trump muốn thay đổi điều này, ông sẽ phải yêu cầu một đạo luật của Quốc hội Mỹ để tìm kiếm cơ hội.
Có thể bạn quan tâm