Ông Trump đang trong thế “cưỡi lưng hổ” khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ I không còn nhiều, trong khi những khó khăn và thách thức ngày càng lớn đối với ông.
Dịch bệnh bùng phát khiến kinh tế Mỹ suy giảm mạnh, cùng với làn sóng biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc… đang là thách thức lớn mà ông Trump cần vượt qua để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Tác động kép
Đến nay, Chính phủ Mỹ đã bơm 3 nghìn tỷ USD nhằm khắc phục hậu quả dịch COVID-19, nhưng do guồng quay kinh tế, thương mại bị kẹt, nên tiền cũng trở nên mất quyền năng tối thượng.
Tính đến nay, hơn 42 triệu người lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp. Các công ty lớn như JCPenney, J.Crew và Hertz đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán GDP quý 2/2020 của Mỹ có thể giảm tới 40%, kéo theo GDP cả năm có thể âm tới 6,5- 7%.
Tăng trưởng kinh tế và việc làm là hai di sản mà ông Trump tự hào nhất trong mấy năm cầm quyền. Bởi vậy, hai yếu tố này đang là “bằng chứng” chống lại ông Trump quyết liệt nhất.
Không ai phủ nhận Trump là nhà kinh tế xuất sắc, nhưng dịch bệnh COVID-19 và làn sóng bạo loạn sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd cho thấy, quản lý xã hội là điểm yếu của Trump.
Trong lịch sử Mỹ, chẳng có Tổng thống nào không hứng chịu chỉ trích từ phe đối lập. Nhưng Trump ở vào hoàn cảnh đặc biệt hơn, đó là đối đầu trực diện và toàn diện với Trung Quốc, đồng thời hứng chịu dịch bệnh có sức tàn phá lớn chưa từng thấy.
Tất cả những yếu tố trên đang gây bất lợi cho ông Trump. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn nằm trong tay người đàn ông này, đó là chiếc ghế đương kim Tổng thống Mỹ và khoảng thời gian gần nửa năm để phục hồi kinh tế.
Buổi diễn thuyết tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2 của ông Trump được tổ chức tại Tulsa (Oklahoma) đã có hơn 1 triệu vé đăng ký tham dự. Dù số người tham dự buổi diễn thuyết này ít hơn đăng ký, nhưng cũng cho thấy, nhiều người dân Mỹ vẫn rất quan tâm đến sự nghiệp chính trị của ông Donald Trump.
Việc ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Mỹ trong chiến dịch tranh cử có thể giúp ông tạo ra sự đồng thuận trong vấn đề tái cấu trúc lực lượng cảnh sát sau cái chết của George Floyd.
Ông Trump tuy phát biểu rất mạnh mẽ trước đối thủ nhưng đằng sau lại tỏ ra rất “biết điều’ với cử tri. Việc tổ chức tranh cử tại Tulsa cũng là một hàm ý rất nhạy cảm vào lúc này.
Tại Tulsa, năm 1921 đã xảy ra cuộc thảm sát người Mỹ gốc Phi lớn nhất lịch sử Mỹ. Thay vì tổ chức ngày 19/6 (ngày kỷ niệm kết thúc chế độ nô lệ ở Mỹ), Trump đã chuyển sang ngày 20/6 để thể hiện sự tôn trọng đối với lễ kỷ niệm. Đây là một dấu hiệu mềm mại rất ít thấy ở các đời Tổng thống Mỹ khi tái tranh cử.
Dù ông Biden bất ngờ nổi lên, nhưng 87% trong số những người ủng hộ Tổng thống Trump nói rằng sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vào tháng 11 tới. Trong khi trong số những cử tri nghiêng về phía ông Biden, chỉ 68% những người được hỏi nói rằng chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông Biden.
Thách thức không nhỏ đối với ông Biden là làm sao để duy trì sự trung thành của người Mỹ gốc Phi với đảng Dân chủ. Trong khi phải dung hòa được bài toán trách nhiệm trước những thất bại về kinh tế - xã hội trong chính sách của đảng Dân chủ tại những thành phố như Minneapolis.
Bởi vậy, cánh cửa vẫn đang rộng mở đối với ông Trump bước vào nhiệm kỳ II Tổng thống Mỹ, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và kinh tế Mỹ có thể suy giảm mạnh trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 10/06/2020
06:30, 19/03/2020
11:30, 05/03/2020
07:00, 08/11/2019
11:15, 07/11/2018