Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành đạo luật liên bang đầu tiên nhằm quản lý stablecoin, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách tiền số của Mỹ.
Tại buổi lễ tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố: “Đây là bước tiến khổng lồ để củng cố vị thế thống trị của Mỹ trong tài chính toàn cầu và công nghệ tiền số.”
Đạo luật mang tên GENIUS Act (Đạo luật Khởi xướng Đổi mới Quốc gia về Hệ thống Tài chính Mỹ) đặt ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các loại stablecoin được bảo chứng bằng đồng USD.
Theo luật mới, các công ty phát hành stablecoin buộc phải nắm giữ dự trữ tài sản tương ứng 1-1 với số coin phát hành, dưới dạng trái phiếu chính phủ ngắn hạn hoặc sản phẩm tương tự do cơ quan quản lý liên bang hoặc tiểu bang giám sát.
“Đây có thể là cuộc cách mạng tài chính lớn nhất kể từ khi internet ra đời. GENIUS Act tạo ra một môi trường pháp lý đơn giản, rõ ràng để phát huy tiềm năng khổng lồ của stablecoin gắn với đồng USD”, ông Trump phát biểu.
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng đạo luật này sẽ “bảo đảm vị thế của đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới,” và cảnh báo rằng việc đánh mất vị trí đó chẳng khác gì “thua trong một cuộc chiến tranh thế giới.”
Ông cho biết việc mở rộng ứng dụng stablecoin sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và mở ra cơ hội tiết kiệm, chuyển tiền bằng USD cho hàng tỷ người trên thế giới với tính riêng tư, linh hoạt và phân quyền tương tự như tiền mặt.
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ, trong buổi họp báo riêng cùng ngày, cho rằng đạo luật này sẽ mang lại sự chắc chắn về pháp lý cho các nhà phát hành stablecoin, khuyến khích đổi mới và giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của đồng USD. Ngoài ra, đạo luật yêu cầu việc bảo chứng stablecoin phải thực hiện bằng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn – một điểm then chốt để đảm bảo tính ổn định của nền tài chính Mỹ.
Động thái này đánh dấu sự chuyển hướng đáng chú ý của Tổng thống Trump, người từng thể hiện thái độ hoài nghi đối với tiền điện tử. Tuy nhiên, đến nay ông đã trở thành người bảo trợ lớn nhất của ngành này trong chính trường Mỹ.
Tuần lễ ký kết được ông Trump gọi là “Tuần lễ Crypto”, với sự tham gia của các tên tuổi lớn trong ngành như Brian Armstrong (Coinbase), Vlad Tenev (Robinhood), hai anh em tỷ phú Winklevoss (Gemini) và Chris Pavlovski (Rumble).
“Buổi ký kết này là sự công nhận to lớn cho tinh thần tiên phong và sự bền bỉ không bao giờ bỏ cuộc của các bạn,” ông Trump nói với các nhà điều hành crypto có mặt.
Đạo luật cũng đánh dấu sự phục hồi niềm tin vào ngành tiền điện tử, vốn từng bị tổn thương nặng nề sau sự sụp đổ của sàn FTX do Sam Bankman-Fried sáng lập. Các chuyên gia cho rằng khung pháp lý rõ ràng mới sẽ giúp tài sản kỹ thuật số được công nhận hợp pháp và tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các công ty công nghệ tài chính.
Dự luật đã được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng, dù gặp nhiều trở ngại trong quá trình thương thảo. Một nhóm nghị sĩ bảo thủ từng trì hoãn thông qua luật vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC). Tuy nhiên, sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Trump, họ đồng ý rút lại phản đối với điều kiện vấn đề CBDC sẽ được đưa vào một dự luật quốc phòng vào cuối năm nay.
Đảng Dân chủ cũng từng đề xuất bổ sung điều khoản cấm các quan chức được bầu và người thân của họ tham gia vào các dự án stablecoin. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp nhận.
Sự kiện này cho thấy các nhà đầu tư và điều hành ngành crypto đang trở thành lực lượng chính trị đáng gờm, đặc biệt sau khi họ đổ tiền vào các ủy ban hành động chính trị (PAC) để hậu thuẫn các ứng viên thân thiện với ngành trong cuộc bầu cử 2024. Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng này trong chiến dịch tái tranh cử.
Không dừng lại ở đó, ông Trump còn bổ nhiệm nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks làm Cố vấn đầu tiên của Nhà Trắng về trí tuệ nhân tạo và crypto. Ông cũng ký sắc lệnh hành pháp thành lập Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược cùng kho dự trữ tài sản số khác. Chính quyền Trump cũng đã đình chỉ hoặc hủy bỏ hàng loạt vụ kiện nhắm vào các công ty như Coinbase, Robinhood, Uniswap Labs và OpenSea.