Tiền điện tử đang chuyển mình từ tài sản đầu cơ thành công cụ phòng ngừa rủi ro và hạ tầng tài chính thay thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn và phân mảnh.
Trong vài tháng gần đây, những biến động trong hệ thống tài chính toàn cầu đã đưa tài sản kỹ thuật số lên vị trí trung tâm đầy thu hút. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là sự bùng nổ của các quỹ ETF Bitcoin (BTC) giao ngay tại Hoa Kỳ - các công cụ tài chính cho phép nhà đầu tư tiếp cận Bitcoin một cách gián tiếp mà không cần tự mình nắm giữ hoặc giao dịch tiền số.
Tính đến đầu tháng 5/2025, tổng tài sản của các ETF Bitcoin giao ngay đã vượt ngưỡng 120 tỷ USD, trong đó riêng quỹ iShares Bitcoin Trust (IBIT) của BlackRock đang quản lý hơn 65 tỷ USD, trở thành quỹ ETF Bitcoin lớn nhất thế giới. Điều này trái ngược hoàn toàn với dự đoán ban đầu từ những người hoài nghi khi công cụ này được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) chấp thuận vào tháng 1/2024, cho rằng thị trường sẽ chỉ đón nhận trong giới hạn.
Song song với đó, thị trường stablecoin, loại tiền điện tử được neo giá vào tiền pháp định như USD cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc. Tổng giá trị giao dịch bằng stablecoin trong năm 2024 đã vượt 27.000 tỷ USD, cao hơn cả tổng giá trị giao dịch toàn cầu qua Visa và Mastercard cộng lại. Đây không chỉ là một tín hiệu về mức độ chấp nhận rộng rãi, mà còn là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số đang dần thay thế các hệ thống thanh toán truyền thống.
Theo bà Lily Z. King, giám đốc điều hành của Cobo, nhà cung cấp dịch vụ lưu ký tiền điện tử toàn cầu hàng đầu và phát triển cơ sở hạ tầng blockchain nhận xét: “Chúng ta có thể gọi đó là nghịch lý bất ổn khi tài sản kỹ thuật số nổi lên từ nhóm đầu cơ, để khẳng định vai trò mới là trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro hệ thống rộng lớn hơn. Khi các chính phủ dựng rào cản, tăng thuế quan, và áp đặt lệnh kiểm soát vốn, thì blockchain - nền tảng cốt lõi của tiền điện tử lại đang âm thầm tạo dựng các "xa lộ tài chính" xuyên biên giới.
Trước đó, vàng vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn truyền thống, giờ đây lại không còn đáp ứng được nhu cầu chuyển giá trị tức thời và xuyên biên giới như tiền điện tử. Trong các cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng thanh khoản, Bitcoin và stablecoin có thể thực hiện giao dịch trong vài phút, vượt qua giới hạn biên giới quốc gia, điều mà vàng vật lý không thể thực hiện được”.
Ở Châu Á, Hồng Kông đang nhanh chóng khẳng định vị thế tiên phong khi trở thành một trong những trung tâm dẫn đầu toàn cầu về quy định và ứng dụng tiền điện tử. Kể từ năm 2020, Ủy ban Chứng khoán và Tương lai (SFC) đã cấp phép cho 10 nền tảng giao dịch tài sản ảo, đưa hoạt động giao dịch tiền số cả bán lẻ lẫn tổ chức vào khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan Mo-po phát biểu tại hội nghị Web3 gần đây rằng: “Chiến lược của chúng tôi là xây dựng một hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số phát triển mạnh, nhưng cũng đề cao các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư”.
Một bước đi táo bạo khác là đề xuất miễn thuế thu nhập từ tiền điện tử cho các quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư tư nhân và văn phòng gia đình. Tín hiệu này cho thấy Hồng Kông đang “đặt cược dài hạn” vào tiền điện tử như một trụ cột kinh tế mới trong thế giới tài chính hậu toàn cầu hóa.
Doanh nghiệp toàn cầu cũng không nằm ngoài cuộc. Visa đã ra mắt nền tảng tài sản được mã hóa giúp ngân hàng phát hành stablecoin dễ dàng hơn. Stripe, nền tảng thanh toán trực tuyến nổi tiếng, đang thử nghiệm các phương án thanh toán bằng stablecoin tại các thị trường mới nổi. Mastercard cũng không chậm chân khi công bố các công cụ mới cho phép sử dụng stablecoin trong hệ thống của mình.
Theo số liệu của CoinGecko vào tháng 5/2025, vốn hóa của thị trường stablecoin đã đạt hơn 210 tỷ USD, so với chỉ 2 tỷ USD vào năm 2019, một mức tăng trưởng gấp hơn 100 lần trong vòng sáu năm. Đây là minh chứng rõ ràng rằng stablecoin đã vượt khỏi phạm vi của công nghệ thử nghiệm, trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu trong nền tài chính xuyên biên giới, đặc biệt tại những quốc gia mà tiền tệ nội địa mất giá hoặc bị kiểm soát gắt gao.
Trong bối cảnh các liên minh truyền thống như WTO, G7 hay EU đang chịu áp lực từ bên trong và bên ngoài, việc xây dựng một hệ thống tài chính không phụ thuộc vào trung gian, các ngân hàng, mạng lưới SWIFT hay các tổ chức thanh toán quốc tế đang dần trở thành một nhu cầu chiến lược.
Như vâỵ, các tổ chức từ nhà đầu tư, công ty công nghệ cho đến cơ quan quản lý nhà nước đều đang hành động theo hướng thích nghi và đầu tư vào mô hình tài chính phi tập trung, linh hoạt và ít chịu ràng buộc bởi các thế lực địa chính trị.
Tuy chưa thể khẳng định tiền điện tử sẽ thay thế hoàn toàn các công cụ tài chính truyền thống, nhưng chúng đang nhanh chóng được nhìn nhận như một phương án phòng ngừa trong trường hợp các hệ thống hiện tại bị gián đoạn. Không phải để loại bỏ đồng USD, mà là để tạo ra một kế hoạch dự phòng trong một thế giới nhiều bất định.
Trong thời đại mà nền kinh tế toàn cầu bị thử thách bởi chiến tranh thương mại, rủi ro chính trị... sự nổi lên của tiền điện tử như “vàng kỹ thuật số” không chỉ phản ánh một cơn sốt đầu cơ, mà là dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính thế giới đang tái cấu trúc. Vấn đề không còn là liệu tiền điện tử có chỗ đứng hay không, mà là khi nào và bằng cách nào chúng sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái tài chính toàn cầu một cách chính thức và khó có thể đảo ngược.