Tài chính số

Tiền điện tử lao đao giữa căng thẳng thuế quan và rủi ro bảo mật

Diễm Ngọc 02/04/2025 04:01

Chính sách thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử, trong khi các vụ “hack” cũng gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp này.

Tâm lý nhà đầu tư chao đảo

Tháng 3 vừa qua là một giai đoạn biến động mạnh mẽ của thị trường tiền điện tử toàn cầu, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chính sách thương mại thay đổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bên cạnh đó là những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) và sự thoái trào nhanh chóng của cơn sốt memecoin trên hệ sinh thái Solana.

Bit 1
Tính đến chiều ngày 1/4, Bitcoin giao dịch quanh mức 84.200 USD/BTC, trong khi ETH ở mức tương đối thấp, chỉ 1.880 USD

Bước sang tháng 4, Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) cùng nhiều altcoin khác cũng tiếp tục chứng kiến mức sụt giảm giá trị. Hàng tỷ USD giá trị tài sản số đang bị đặt vào rủi ro bởi những thay đổi chính sách, tội phạm mạng và sự thiếu minh bạch từ các giao thức DeFi.

Theo phân tích của Cointelegraph, ngay từ đầu tháng 3, loạt chính sách thuế quan của chính quyền Trump đã làm chao đảo thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền điện tử nói riêng. Các đòn thuế trả đũa giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, giá Bitcoin liên tục dao động mạnh, tổng kết tháng 3, Bitcoin ghi nhận mức giảm khoảng 5%, trong khi Ethereum còn mất giá nghiêm trọng hơn với mức giảm 18%.

Tính đến chiều ngày 1/4, Bitcoin giao dịch quanh mức 84.200 USD/BTC, trong khi ETH ở mức tương đối thấp, chỉ 1.880 USD. Nhà phân tích thị trường Max Keiser bình luận: “Các biến động giá tiền điện tử gần đây không chỉ là kết quả từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, mà còn là phản ứng trực tiếp từ những tuyên bố và hành động thay đổi liên tục của chính quyền Trump”.

Không dừng lại ở đó, căng thẳng thương mại cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản đầu tư tiền điện tử của gia đình ông Trump thông qua quỹ World Liberty Financial (WLFI). Nhiều altcoin trong danh mục như Mint (MNT) và Tron (TRX) đã giảm xuống mức thấp hơn cả đầu tháng.

Đáng chú ý, vào ngày 2/4, chính quyền của ông Trump dự kiến sẽ áp thuế đối ứng với các quốc gia đánh thuế lên hàng hóa Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một đợt bán tháo tiếp theo trong thị trường tài sản số.

Rủi ro bảo mật gia tăng

Trong khi đó, thị trường tài chính phi tập trung tiếp tục chứng kiến một làn sóng tấn công nguy hiểm từ các “hacker”. Dù không nghiêm trọng như vụ tấn công vào sàn Bybit trị giá 1,4 tỷ USD hồi tháng 2 vừa qua, tháng 3 vẫn ghi nhận bốn vụ hack khác nhau với tổng giá trị thiệt hại lên tới 22 triệu USD.

Theo Tổng thống Donald Trump, mục tiêu của Quỹ dự trữ tiền điện tử Hoa Kỳ là
Ngày 2/4, chính quyền của ông Trump dự kiến sẽ áp thuế đối ứng với các quốc gia đánh thuế lên hàng hóa Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một đợt bán tháo tiếp theo trong thị trường tài sản số.

Theo công ty bảo mật blockchain Lookonchain, các hacker đã chuyển đổi thành công 100% số tiền đánh cắp, chủ yếu thông qua THORChain, cho thấy hệ thống rửa tiền qua DeFi đang ngày càng tinh vi.

Song song với những mối đe dọa về bảo mật, hệ sinh thái Solana cũng đối diện với nguy cơ sụp đổ doanh thu. Sau đỉnh cao 34 tỷ USD khối lượng giao dịch memecoin vào tháng 1, Solana chỉ ghi nhận chưa đầy 1 tỷ USD giao dịch trong tháng 3. Đặc biệt, từ 15 triệu USD doanh thu vào ngày 19/1, hệ sinh thái này đã tụt dốc thảm hại xuống chỉ còn 119.000 USD vào cuối tháng 3 - tức là mất 99% doanh thu trong vòng hai tháng.

Nhà phân tích Sunny Shi của Messari nhấn mạnh: “Nền kinh tế memecoin chiếm phần lớn giá trị của Solana. Sự sụt giảm mạnh về khối lượng memecoin có thể gây ra một loạt các đợt sụt giảm doanh thu”.

Không nằm ngoài vòng xoáy chính sách, nhiều bang tại Mỹ hiện đang khẩn trương hoàn thiện luật liên quan đến tiền điện tử. Trong tháng 3, Utah và Kentucky đã chính thức ban hành luật mới định nghĩa các khía cạnh pháp lý của tài sản số và blockchain, đồng thời thiết lập khung pháp lý bảo vệ thợ đào và doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử.

Thêm vào đó, 13 bang khác, bao gồm Texas, Georgia và Illinois, cũng đang thảo luận các dự luật xoay quanh stablecoin, AI và đầu tư công vào tiền điện tử. Điển hình, Texas đã đề xuất một đồng stablecoin được hỗ trợ bằng dầu – dấu hiệu cho thấy các tiểu bang đang tìm cách tận dụng công nghệ blockchain để mở rộng năng lực tài chính công.

Về mặt quốc tế, tháng 3 cũng chứng kiến sáu hội nghị tiền điện tử lớn diễn ra tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Mặc cho bất ổn và rủi ro, cộng đồng tiền điện tử vẫn đang tiếp tục mở rộng, tranh luận và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện tính minh bạch, bảo mật cũng như sự bền vững cho tương lai ngành này.

Theo dữ liệu từ Chainalysis công bố cuối quý I/2025, tổng giá trị bị thất thoát qua các vụ hack liên quan đến tiền điện tử trong ba tháng đầu năm đã lên đến hơn 2,1 tỷ USD - tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 4 này được dự báo sẽ tiếp tục là thời điểm nhạy cảm đối với thị trường, đặc biệt với ngày 2/4 và cuộc tranh luận xung quanh đạo luật stablecoin tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là cơ hội định hình rõ ràng pháp lý tiền điện tử tại Mỹ, có thể đưa thị trường thoát khỏi tình trạng bán tháo và sự bi quan kéo dài từ đầu năm hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền điện tử lao đao giữa căng thẳng thuế quan và rủi ro bảo mật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO