Thị trường tiền điện tử đang trải qua giai đoạn điều chỉnh, khi nhà đầu tư trở nên thận trọng trước tác động của chính sách ảnh hưởng đến các tài sản kỹ thuật số.
Làn sóng “Debanking”
Theo nguồn tin từ Coindesk, trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Hoa Kỳ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã bày tỏ sự lo ngại về xu hướng “Debanking” - tình trạng các ngân hàng từ chối cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền điện tử. Ông cho biết Fed đang điều chỉnh các chính sách giám sát nội bộ để đối phó với vấn đề này.
Ông Powell chia sẻ lo ngại về số lượng các báo cáo liên quan đến vấn đề này. Một trong những lý do có thể là các ngân hàng đang trở nên quá thận trọng trước các quy định chống rửa tiền và sự giám sát chặt chẽ, khiến họ ngại rủi ro khi tiếp nhận các khách hàng trong lĩnh vực tiền điện tử.
Chủ tịch Fed khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc.” Đồng thời thừa nhận rất ấn tượng với sự gia tăng các trường hợp có dấu hiệu liên quan đến việc loại bỏ dịch vụ ngân hàng với các doanh nghiệp tiền điện tử.
Xu hướng Debanking không chỉ là mối quan tâm ngắn hạn mà còn đặt ra câu hỏi lớn về môi trường pháp lý và sự ổn định của ngành tài chính số trong tương lai. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến và gây ra những thách thức nghiêm trọng cho cả các công ty tiền điện tử lẫn hệ sinh thái tài chính.
Giới phân tích cho rằng, làn sóng Debanking xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả về mặt chính sách lẫn nhận thức rủi ro của các ngân hàng. Trước hết là rủi ro tuân thủ pháp luật và chống rửa tiền trong bối cảnh ngành tiền điện tử thường bị xem là môi trường có nguy cơ cao cho các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc gian lận tài chính.
Các ngân hàng thương mại, trước áp lực từ quy định của các cơ quan giám sát như Fed, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC), đã chọn cách tránh xa các khách hàng trong lĩnh vực này thay vì đối mặt với rủi ro pháp lý.
Tiếp đó là sự giám sát từ các cơ quan quản lý trong những năm qua được thắt chặt đáng kể. Các ngân hàng ngày càng thận trọng hơn khi phải phục vụ doanh nghiệp tiền điện tử, vì một số chính sách giám sát đã khuyến khích việc “cảnh giác cao độ” đối với những hoạt động có tính chất mới hoặc gây tranh cãi.
Cuối cùng là ảnh hưởng từ môi trường chính trị. Dưới thời chính quyền trước đây, các cơ quan giám sát ngân hàng đã có chính sách khá khắt khe với ngành tài chính số. Mặc dù đã có những thay đổi trong chính quyền hiện tại, nhưng sự thận trọng vẫn chi phối cách tiếp cận của phía ngân hàng thương mại.
Mặc dù giám sát tiền điện tử không phải là chủ đề chính của phiên điều trần, nhưng một số vấn đề quan trọng của ngành này vẫn được đề cập, bao gồm stablecoin và tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Ông Powell nhấn mạnh rằng Fed ủng hộ việc xây dựng khung pháp lý cho stablecoin - các token được thiết kế để duy trì giá trị ổn định thông qua việc neo vào các tài sản như đồng USD. “Stablecoin có thể có một tương lai lớn đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều quan trọng là sự phát triển của stablecoin phải diễn ra một cách an toàn, có quy định rõ ràng để bảo vệ người tiêu dùng và người tiết kiệm”.
Riêng về CBDC, Chủ tịch Fed khẳng định rõ ràng Fed không có ý định phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Thực tế, sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội và chính quyền Trump đối với việc phát triển CBDC tại Mỹ đã làm cho khả năng triển khai sáng kiến này ngày càng xa vời, đặc biệt khi Trung Quốc và châu Âu đang tiến hành thử nghiệm các dự án tương tự.
Tác động từ chính sách tiền tệ
Bên cạnh vấn đề tiền điện tử, Chủ tịch Fed cũng đưa ra nhận định về tình hình kinh tế và chính sách lãi suất. Ông cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện đang ở vị trí khá tốt, nhưng Fed vẫn muốn tiếp tục theo dõi và kiểm soát lạm phát. Hiện không có lý do gì để vội vàng giảm lãi suất thêm nữa.
Năm 2024, cơ quan này đã cắt giảm lãi suất ba lần, với tổng mức giảm 100 điểm cơ bản trong bốn tháng cuối năm. Tuy nhiên, những báo cáo tích cực về kinh tế và lạm phát vào giữa tháng 12 đã buộc Fed phải dừng lại việc nới lỏng chính sách. Theo đó, chỉ khi nền kinh tế hoặc lạm phát suy yếu đáng kể thì mới xem xét tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Chính sách thắt chặt này của Fed đã tác động không nhỏ đến thị trường tiền điện tử. Đến chiều ngày 12/2, Bitcoin (BTC) giao dịch ở mức 96.185 USD/BTC, giảm 1,84% so với ngày hôm trước. Trong phiên giao dịch, giá cao nhất đạt 98.231 USD và thấp nhất là 94.864 USD.
Các altcoin cũng ghi nhận mức giảm mạnh hơn khi Ethereum (ETH) giao dịch ở mức 2.629 USD/ETH, giảm 2,54%; Solana (SOL) và XRP lần lượt giảm 2,64% và 3,21%.
Có thể thấy, chiến lược lãi suất của Fed và thái độ thận trọng với các quy định giám sát ngành tiền điện tử đã phản ánh rõ nét quan điểm bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ. Thị trường tiền điện tử đang trải qua giai đoạn điều chỉnh khi nhà đầu tư trở nên thận trọng trước các tác động chính sách đến các tài sản kỹ thuật số.