Nhiều chuyên gia đánh giá, chiến chống dịch COVID-19 của nước Mỹ có thể là mặt trận tiếp theo để đảng Dân Chủ và Cộng hòa giành ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới.
Khi diễn biến dịch COVID-19 ở Mỹ vẫn đang trở nên phức tạp, ba ứng viên chính cho vị trí tổng thống Mỹ, bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đều đã thực hiện những động thái nhằm chứng minh năng lực dẫn dắt đất nước giữa bối cảnh xã hội hỗn loạn và thị trường chứng khoán mất 4.000 tỷ USD trong một tuần.
Không khó để nhận ra, các ứng viên tiềm năng cho chức Tổng thống đang nỗ lực để xây dựng hình ảnh nhằm tận dụng sự ủng hộ của cử tri sau những bước đi sai lầm trong thời gian qua. Cụ thể, hai ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ hiện nay là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã có những động thái tích cực trên mặt trận chống COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
21:00, 18/03/2020
19:16, 18/03/2020
19:00, 18/03/2020
16:51, 18/03/2020
Vừa qua, ông Joe Biden đã đưa ra kế hoạch chi tiết và một loạt mục tiêu về xét nghiệm, tăng cường năng lực cho bệnh viện và thúc đẩy hoàn thành vắc-xin ngừa virus. Tương tự, ứng cử viên Sanders cũng không hề kém cạnh khi đưa ra thông điệp về cuộc “khủng hoảng lớn” COVID-19, đồng thời đưa ra giải pháp tập trung vào sự cần thiết hỗ trợ người nghèo, dễ bị tổn thương trong thời dịch
Có thể thấy, đảng Dân chủ đã rất tích cực trong việc hạ thấp vai trò của Tổng thống nói riêng và của cả đảng Cộng hòa trong cuộc chiến chống COVID-19. Sau sự thua cuộc trong cuộc chiến luận tội, đảng Dân chủ đang cần một bệ phóng để giành lại thế cân bằng với đảng Cộng hòa. Và sự chậm trễ cũng như những phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Trump đã trở thành cơ hội đáng quý.
Dễ dàng nhận thấy, hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders đều tập trung chỉ trích chính quyền Trump, cáo buộc ông Trump không minh bạch thông tin. Không dừng ở đó, lãnh đạo Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng không ngừng công kích Tổng thống Trump đã chậm trễ cũng như có những biện pháp sai lầm khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Như chiến lược gia phe Cộng hòa Mike DuHaime nhận định, việc chính quyền ông Trump hạ thấp mối đe dọa của dịch bệnh từ trước đó đã làm ảnh hưởng tới uy tín của ông và khiến người dân đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của chính quyền trong việc đối phó dịch.
Điều này cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump khi khảo sát củaReuters/Ipsos thực hiện trong ngày 9-10/3 cho thấy 55% những người được hỏi không ủng hộ ông Trump, trong khi số ủng hộ là 40%.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa vẫn nắm thế chủ động. Dù chậm trễ, nhưng ông cũng đã có những bước đi quyết liệt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh những dòng twitter trên trang cá nhân để trấn an dư luận, trên thực tế, ông Trump không biết gì về việc cắt giảm ngân sách của Chương trình An ninh Toàn cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Đặc biệt, nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng phủ nhận thông tin Tổng thống Trump muốn mua độc quyền vắc-xin chống COVID-19 của Đức. Thực tế rằng, chính phủ Mỹ đã trao đổi với hơn 25 công ty tuyên bố họ có thể hỗ trợ việc sản xuất ra một loại vắc-xin. Hầu hết các công ty này đều đã nhận các khoản tài trợ từ đầu của các nhà đầu tư Mỹ.
Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống Pence, việc quản lý dịch bệnh ở cấp liên bang đang trở nên có hiệu quả hơn. Các chính quyền tiểu bang và địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên bang, và doanh nghiệp tư nhân đang giữ một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Về cơ bản, trong những năm tháng cầm quyền, chưa khi nào ông Trump bị thử thách trong trường hợp nước Mỹ rơi vào khủng hoảng bệnh dịch. Do đó, đây sẽ là cơ hội để ông Trump thể hiện năng lực trong việc xử lý những vấn đề nội bộ của nước Mỹ sau một thời gian tập trung vào các phương thức ngoại giao cứng rắn.
Cho đến thời điểm hiện tại, sự chấp thuận của cử tri Mỹ về phản ứng của Tổng thống Trump đối với dịch COVID-19 đã ổn định hơn. Cuộc khảo sát gần đây nhất được thực hiện từ ngày 13-16/3 cho thấy 47% cử tri Mỹ cho rằng Tổng thống đã có những hành động ứng phó với dịch bệnh tương đối tốt, trong khi tỷ lệ không chấp thuận là 43%, góp phần thúc đẩy việc ông Trump có thái độ đúng đắn hơn trong việc xử lý mối đe dọa COVID-19.
Vẫn chưa thể xác định dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài bao lâu, hay những hệ quả của nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử và tâm lý cử tri thế nào. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả lúc này là người dân Mỹ mong mỏi sự nhất quán trong hành động đến từ những người cầm quyền để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, thay vì là cơ hội "chính trị hóa", tranh giành những lá phiếu.