Tổng thống Trump thông báo: “chúng tôi có thể sẽ gửi đi một số lá thư, chắc là sẽ gửi 10 thư mỗi ngày” - để đơn phương áp dụng biện pháp thương mại mới.
Thời hạn ngày 9/7 sắp hết, trật tự thương mại toàn cầu đang bị đặt dấu hỏi, trong đó trục thương mại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) với tổng kim ngạch 1,46 nghìn tỷ USD bị đe dọa trầm trọng. Mọi con mắt đều đổ dồn vào các cuộc đàm phán này.
Ngày 4/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng EU và Mỹ sẽ không thể đạt được một thỏa thuận thương mại cuối cùng trước ngày 9/7, nên hai bên đang cố gắng đi đến một “thỏa thuận về nguyên tắc” với ít chi tiết cụ thể hơn.
Nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 9/7 - khi thời hạn hoãn 90 ngày đối với thuế quan đối ứng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kết thúc - hàng hóa EU nhập khẩu vào Hoa Kỳ có thể bị áp thuế lên tới 50%. Các biện pháp trả đũa từ EU nhắm vào nhiều loại hàng hóa của Hoa Kỳ, vốn cũng đã tạm thời bị đình chỉ, có thể sẽ tái kích hoạt.
Mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-EU là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới, chiếm khoảng 30% giao dịch hàng hóa toàn cầu. Các sản phẩm thuốc và dược phẩm, phương tiện giao thông đường bộ và các sản phẩm dầu mỏ là một số mặt hàng được giao dịch nhiều nhất.
Ông Trump đã nhiều lần nêu vấn đề về mối quan hệ thương mại giữa Washington và Brussels, cho rằng nó không công bằng và cáo buộc EU lợi dụng Hoa Kỳ. Các cuộc đàm phán rất khó khăn và chậm đạt được tiến triển.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent tỏ ra thận trọng về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn. Anthony Gardner, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại EU, bày tỏ ông không ngạc nhiên khi bà von der Leyen loại trừ khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Carsten Nickel, Giám đốc điều hành Teneo đưa ra ý tưởng: Thỏa thuận ban đầu mamg tính nguyên tắc nên hướng tới mục đích giành thời gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo và bao gồm việc EU chấp nhận mức thuế cơ sở 10% từ Hoa Kỳ.
Nickel cho biết: “Chúng ta sẽ ở trong một giai đoạn mà bất kỳ thỏa thuận nào đạt được đều chỉ có tác dụng làm dịu tạm thời và mở ra chủ đề của cuộc mặc cả căng thẳng và sẽ vẫn có nguy cơ khiến Hoa Kỳ thay đổi quyết định, mất kiên nhẫn, nhìn theo hướng khác”.
Cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ mới công bố đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với Vương quốc Anh và một vài quốc gia khác. Ấn Độ cũng được cho là đang trên đà đi đến thỏa thuận mang tính nguyên tắc với Hoa Kỳ. Những đồng minh chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc không dễ đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ.