Các điều kiện kinh doanh suy giảm, PMI tháng 7 thụt lùi so với tháng trước
Sau đà tăng vào tháng trước, vào tháng 7, sản lượng, đơn hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian và đầu tư cơ bản đều giảm trở lại, riêng biệt có hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng tăng.
Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam vừa được IHS Markit công bố. Trong đó, PMI tháng 7 Việt Nam đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng trước do lượng đơn đặt hàng và sản lượng đơn hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch.
Vào tháng 6, PMI của Việt Nam đạt 51,1 điểm, tăng 8,4 điểm so với tháng 5. Đây là lần thứ 2 trong năm chỉ số này tăng sau nhiều tháng giảm vì chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.
Tuy nhiên, sau đà tăng này, vào tháng 7, sản lượng, đơn hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian và đầu tư cơ bản đều giảm trở lại, riêng biệt có hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng tăng.
Nguyên nhân được cho là việc hạn chế đi lại và nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu giảm vì đại dịch COVID-19. Khối lượng công việc giảm dẫn tới số lượng việc làm cũng giảm mạnh. Nhiều lao động quyết định nghỉ việc để tìm kiếm những cơ hội việc làm khác. Trước tình trạng này, nhà sản xuất đã giảm hoạt động mua hàng, nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng tồn kho.
Ngoài những lí do trên, thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài làm tăng chi phí sản xuất đầu vào, do các biện pháp phòng dịch khiến việc giao nhận hàng hóa và vận tải đường biển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá thành phẩm giảm lần thứ 6 liên tiếp trong nước. Nhà sản xuất cho rằng buộc phải hạ giá vì áp lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn cho rằng, PMI tháng 7 giảm vẫn còn "nhẹ nhàng" hơn rất nhiều so với những lần giảm trước - khi thực hiện giãn cách xã hội. Họ cũng lạc quan về triển vọng sản xuất trong 12 tháng tới, kỳ vọng số lượng đơn hàng mới và sản lượng sẽ sớm lấy lại đà tăng.
Hôm qua (2/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ trước tình hình dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hai mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể, Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công. Cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát. Bên cạnh đó, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển. Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công mà thúc đẩy cả vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân ở Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu cần kiểm soát lạm phát dưới mức 4%.
Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chính sách, bảo đảm chủ động, tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với 3 trục: Đầu tư (cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI), tiêu dùng và xuất khẩu để kích thích tổng cầu.
Thủ tướng nêu rõ cần rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III, cả năm 2020 và 2021. Tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Do đâu PMI Việt Nam "lội ngược dòng" tăng mạnh trong tháng 6?
15:40, 01/07/2020
PMI Việt Nam tạo đáy mới nhưng vẫn khả quan ở Đông Nam Á
00:40, 05/05/2020
PMI tháng 9: Mức độ lạc quan trong kinh doanh đạt mức thấp nhất
10:53, 01/10/2019
Giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế vẫn chưa tới!
06:15, 03/08/2020
Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Mỹ?
06:00, 03/08/2020
Cần thêm các chính sách hỗ trợ kinh tế nữa hay không?
05:00, 03/08/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế
00:13, 03/08/2020