4 nhóm giải pháp triển khai EVFTA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA, tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Để triển khai thi hành có hiệu quả Hiệp định EVFTA, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích có được từ Hiệp định này, tại Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác cũng đặt ra những thách thức đối với Việt Nam. Bởi, thực tế cho thấy, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính yếu.
Giải pháp thứ nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư.
Những hoạt động sẽ được triển khai trong khuôn khổ nhóm giải pháp này gồm tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý ở địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp…
Đối với chương trình xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, các dự án của các nhà đầu tư EU sẽ được thu hút có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dự án có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhóm giải pháp thứ 2 là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định.
"Để bảo đảm thi hành các Hiệp định đã ký kết với Liên minh châu Âu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật liên quan và đề xuất xây dựng các văn bản cần thiết để bảo đảm thi hành Hiệp định. Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết cam kết của Việt Nam theo Hiệp định FTA và Hiệp định EVIPA liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ bản phù hợp với pháp luật hiện hiện hành, có thể áp dụng trực tiếp mà không yêu cầu phải sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Nhóm giải pháp thứ ba là để hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, bộ khẩn trương đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với đầy đủ công năng kỹ thuật và thể chế vượt trội để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình chuyển đổi số.
Giải pháp thứ tư là xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của công tác thi hành và giám sát thi hành pháp luật nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ sau đầu tư, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, tránh phát sinh thành tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Chủ động triển khai thực thi Hiệp định EVFTA để tận dụng cơ hội tốt hơn
16:22, 06/08/2020
EVFTA có hiệu lực: “Chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường cao tốc EVFTA”
13:58, 06/08/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “EVFTA có hiệu lực, nhưng đây mới là bước đầu!”
12:05, 06/08/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 5/8: Chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định EVFTA
19:28, 05/08/2020
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 27/7-1/8: EVFTA và không gian mới cho kinh tế Việt Nam
15:00, 02/08/2020