80.000 tấn gạo xuất khẩu sang EU như thế nào?

LINH NGA 17/08/2020 03:00

EC cho biết, EVFTA cam kết, mặt hàng gạo có hạn ngạch 80.000 tấn/năm được xuất sang EU gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Ủy ban Châu Âu (EC) vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được áp dụng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong đó, mặt hàng gạo có hạn ngạch 80.000 tấn/năm, với 20.000 tấn gạo chưa xay xát, gạo xay xát và gạo thơm đều là 30.000 tấn.

Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng trong nước phân bổ lượng hạn ngạch này để xuất khẩu, hưởng thuế ưu đãi vào thị trường EU, nhưng với 80.000 tấn gạo theo EVFTA, quy trình để cấp phát hạn ngạch sẽ theo một cách khác.

Với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, Việt Nam không phân bổ, mà do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU

Với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, Việt Nam không phân bổ, mà do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU.

Về thực thi hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ. Với cơ chế phân bổ hạn ngạch này, những doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang EU cần liên hệ với doanh nghiệp EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán, nhằm tận dụng hết số hạn ngạch nói trên.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngoài việc phải liên lạc với phía EU để có được hợp đồng xuất khẩu gạo, khai thác lượng hạn ngạch mà EU dành cho Việt Nam theo Hiệp định, riêng với gạo thơm, EVFTA yêu cầu phải có thêm xác nhận của chính quyền Việt Nam. Điều này làm phát sinh thêm một thủ tục hành chính, mà đã là thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức Nghị định.

“Việc EU yêu cầu phải có thêm xác nhận của chính quyền Việt Nam đối với lô hàng gạo thơm xuất khẩu là điều phía Việt Nam không hề mong muốn, nhưng họ đã quy định như vậy thì ta phải theo. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định này”, ông Hải cho biết thông tin.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, EC quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Quy định xác nhận chủng loại gạo chỉ áp dụng với hạn ngạch miễn thuế, chứ không phải tất cả gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU không có nhu cầu tham gia trong hạn ngạch miễn giảm thuế quan thì không cần phải có chứng nhận này và sẽ phải chịu mức thuế theo quy định.

Hiện tại, để đáp ứng yêu cầu của EC đối với xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về các thủ tục hành chính cho xuất khẩu gạo sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan.

Hiện nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đang ở mức thấp. Năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do trước đó Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan hoặc được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

á

Năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm.

Hiệp định EVFTA mở ra một ô cửa nhỏ khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.

Tại Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia phân tích, EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu.

EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Liên minh xuất khẩu gạo: Tại sao không?

    Liên minh xuất khẩu gạo: Tại sao không?

    11:20, 11/06/2020

  • Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra việc xuất khẩu gạo

    Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra việc xuất khẩu gạo

    11:30, 29/04/2020

  • Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5

    Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5

    18:45, 28/04/2020

  • Vinafood II “bết bát” dù có lợi thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”

    Vinafood II “bết bát” dù có lợi thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”

    11:04, 30/07/2020

  • Đề xuất cơ chế trị doanh nghiệp “xù” hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia

    Đề xuất cơ chế trị doanh nghiệp “xù” hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia

    15:42, 24/07/2020

  • Philippines dựng

    Philippines dựng "rào chắn": Gạo Việt khó càng thêm khó!

    16:05, 20/07/2020

LINH NGA