Vì sao ACV giảm tới 3 lần mức đầu tư sân bay Điện Biên?

LINH NGA 25/08/2020 11:14

ACV đề xuất Bộ GTVT đầu tư Cảng hàng không Điện Biên với quy mô và tổng mức đầu tư giảm tới khoảng 3 lần so với kế hoạch trước đây của chính doanh nghiệp này.

Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất Bộ GTVT xây mới đường cất hạ cánh tại đây với kích thước 2400 x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đổ A320/A321.

Tại khu hàng không dân dụng, trước mắt chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu mà chưa xây mới. Trên cơ sở quy mô dự kiến đầu tư (tính đồng bộ cả đường lăn, sân đỗ ô tô, hệ thống dẫn đường…), tư vấn lập sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.539 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng), trong đó, chi phí đầu tư khu bay gần 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng hơn 256 tỷ đồng. Số còn lại là chi phí dự phòng.

Sân bay Điện Biên hiện tại chỉ khai thác được dòng máy bay nhỏ (ATR72)

Sân bay Điện Biên hiện tại chỉ khai thác được dòng máy bay nhỏ (ATR72)

Đề xuất trên của ACV giảm mạnh cả về quy mô cũng như tổng mức đầu tư so với đề xuất trước đây của chính ACV. 

Lý do khiến tổng mức đầu tư sân bay Điện Biên co lại được ACV lý giải là để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ. Bởi vậy, đơn vị tư vấn đề xuất trước mắt chưa xây dựng nhà ga mới theo quy hoạch mà chỉ cải tạo, mở rộng nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm.

Việc đầu tư nhà ga hành khách công suất 2 triệu hành khách/năm theo quy hoạch, sẽ được ACV tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng trên cơ sở sản lượng khai thác khu bay mới được đầu tư xây dựng. Như vậy, để có thể nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, quy mô dự án sân bay Điện Biên đã được co gọn một cách đáng kể.

Trước đó, hồi cuối 2019, ACV báo cáo Bộ GTVT về phương án đầu tư sân bay Điện Biên, trong đó có việc xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400m, hệ thống đường lăn, đường lăn nối, đường lăn song song cũng như hệ thống đèn tiếp cận CAT 1.

Tại khu hàng không dân dụng, sẽ xây dựng nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng 2 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương. Dự kiến tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này vào khoảng 4.787 tỷ đồng. Trong đó, công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng, các hạng mục thiết yếu công trình khu hàng không dân dụng dự kiến 1.700 tỷ đồng.

Các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh Điện Biên nhất trí thực hiện dự kiến 1.532 tỷ đồng.

ACV cũng đề xuất 4 phương án đầu tư. Phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ khu bay, khu hàng không dân dụng. Phương án 2, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên là cấp có thẩm quyền đầu tư khu bay bằng nguồn vốn ngân sách.

Lý do khiến tổng mức đầu tư sân bay Điện Biên co lại được ACV lý giải là để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư

Lý do khiến tổng mức đầu tư sân bay Điện Biên co lại được ACV lý giải là để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Phương án 3, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên là cấp có thẩm quyền kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư khu bay. Phương án 4, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư toàn bộ cảng hàng không Điện Biên.

Trong công văn hồi tháng 7/2020 gửi người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, công suất nhà ga hiện hữu là 300.000 hành khách/năm, số hành khách hàng năm cao nhất là 81.804 hành khách vào năm 2014 và đang có xu hướng giảm dần, trong đó năm 2019 chỉ còn 57.339 hành khách (tương đương 20% công suất).

Vì vậy, Ủy ban đánh giá, việc ACV đề xuất công suất nhà ga 2 triệu hành khách/năm, gấp 7 lần công suất hiện tại và gấp 35 lần sản lượng khai thác thực tế của năm 2019 chưa thực sự phù hợp, đặc biệt chưa rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay thuộc tài sản công do Bộ GTVT quản lý, chưa đảm bảo việc đầu tư đồng bộ.

Cảng hàng không Điện Biên hiện tại là cảng nội địa, cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Nhà ga hành khách hiện tại cũng được xây dựng từ năm 2004 với công suất 300.000 hành khách/năm.

Có thể bạn quan tâm

  • "Rót" gần 5.000 tỷ đồng vào sân bay Điện Biên

    15:55, 16/12/2019

  • Vietjet Air đề xuất xây dựng nhà ga hành khách sân bay Điện Biên

    Vietjet Air đề xuất xây dựng nhà ga hành khách sân bay Điện Biên

    07:04, 20/03/2019

  • Vietjet xin làm sân bay Điện Biên theo hình thức BOT

    Vietjet xin làm sân bay Điện Biên theo hình thức BOT

    13:29, 29/10/2018

  • ACV mong được cởi những “nút thắt” cơ chế

    ACV mong được cởi những “nút thắt” cơ chế

    13:11, 30/05/2020

  • Kịch bản nào cho 'ông trùm sân bay' ACV trong năm 2020?

    Kịch bản nào cho 'ông trùm sân bay' ACV trong năm 2020?

    11:00, 05/03/2020

LINH NGA