Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của ACV được dự báo giảm 25% trong kịch bản tốt nhất. Kịch bản xấu nhất có thể giảm tới 71%.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.
Bùng phát dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong ngành hàng không. Đặc biệt, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 quốc gia có số lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam lớn nhất, chiếm 56% tổng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam thông qua tất cả các phương tiện trong năm 2019.
Theo kịch bản mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, trong trường hợp tích cực nhất (dịch COVID-19 được kiểm soát trước cuối tháng 4/2020), tổng lượng khách năm 2019 sẽ giảm 15% so với năm ngoái, đạt 67 triệu lượt. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 12 triệu khách quốc tế và 35 triệu khách nội địa.
Ở kịch bán kém khả quan hơn (dịch COVID-19 được kiểm soát trước cuối tháng 6/2020), lượng khách dự báo giảm 22% còn 61 triệu lượt, gồm 10 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa.
Nhận định về diễn biến này, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng dù kịch bản nào xảy ra thì năm 2020 nhiều khả năng sẽ là năm rất khó khăn của toàn ngành hàng không Việt Nam.
Trước tình cảnh trên, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất một số kịch bản, trong đó, với kịch bản tiêu cực nhất, ACV ước tính lượng hành khách giảm 35 triệu lượt từ kế hoạch ban đầu là 127 triệu lượt xuống 92 triệu lượt. Công ty cũng có kế hoạch giảm một số mức phí đối với hãng hàng không đễ hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh.
ACV dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 sẽ giảm 79,6% xuống 1.700 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu là 7.700 tỷ đồng trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đã giảm gần 40% giá trị chỉ trong vòng 3 tháng qua và hiện đang giao dịch quanh mức 55.000 đồng/cổ phiếu.
Dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra kịch bản khá lạc quan cho ACV. Trong dài hạn, ACV vẫn còn nhiều kỳ vọng tăng trưởng bất chấp một năm khó khăn phía trước.
Cụ thể, VCSC ước tính sau khi COVID-19 bùng phát dịch trong quý 1/2020, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ dần phục hồi trong quý 2/2020 và quay về mức bình thường trong giai đoạn từ quý 3/2020.
Tính chung cả năm 2020, lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam sẽ chỉ giảm khoảng 3,1% còn lượng khách trong nước giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Với mức giảm này, doanh thu của ACV sẽ chỉ giảm 1,6%,đạt 18 nghìn tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 8%, còn 7,7 nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, khi yếu tố dịch bệnh không còn, lượng hành khách quốc tế và trong nước phục hồi sẽ giúp doanh thu và lợi nhuận ACV sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.
VCSC cho rằng ACV sẽ là công ty được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ ngành hàng không của Việt Nam. Dù những thách thức trong ngắn hạn, những yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cơ cấu cho triển vọng dài hạn của ACV vẫn duy trì ổn định nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và vị trí gần các thị trường hàng không tăng trưởng nhanh khác của Việt Nam.
Trong bối cảnh lượng khách hàng không suy giảm, ACV có thể tiến hành bảo trì lớn đường băng, đặc biệt là 2 đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Việc bảo trì này sẽ ảnh hưởng nhẹ đến lưu lượng hàng không trong giai đoạn 4 tháng. ACV hiện tích trữ một lượng tiền mặt lớn chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng sân bay và bảo trì đường băng. Tuy nhiên, kế hoạch bảo trì đường băng vẫn đang chờ phê duyệt chính thức từ Chính phủ.
Ngoài nhận định lạc quan, VCSC cũng đề cập đến một số rủi ro cho ACV như vốn xây dựng cơ bản phục vụ hoạt động bảo trì đường băng cao hơn dự kiến, kế hoạch mở rộng công suất sân bay bị trì hoãn, lượng hành khách Trung Quốc trở lại thấp hơn dự kiến hay lỗ tỷ giá từ nợ bằng đồng yên Nhật.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 14/01/2020
00:00, 06/12/2019
15:11, 01/12/2019
05:00, 16/11/2019
00:00, 15/11/2019
Ở chiều ngược lại, trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra 3 kịch bản và tính toán tác động của dịch COVID-19 lên ACV theo từng kịch bản.
Ở kịch bản tốt nhất, dịch bệnh được giả định sẽ kết thúc ngay trong quý I/2020 và bắt đầu phục hồi từ quý II/2020. Khách du lịch của Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ vẫn giảm đi du lịch và đến quý IV/2019 mới đạt bằng mức năm ngoái, trong khi các phân khúc hành khách khác đạt mức tăng trưởng 10% từ quý III/2020.
Theo đó, tổng sản lượng hành khách qua ACV trong năm 2020 được dự báo sẽ giảm 12% còn 102 triệu lượt.
Doanh thu năm 2020 ước tính đạt 16,2 nghìn tỷ đồng (giảm 11%) trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước tính giảm 25%.
Ở kịch bản cơ sở (phục hồi sau quý II/2020), SSI giả định ACV có mức giảm 21% trong tổng sản lượng hành khách trong năm 2020 xuống còn 92 triệu lượt hành khách, chủ yếu do hành khách Trung Quốc và Hàn Quốc giảm 39%.
Nhu cầu du lịch trong nước ước tính cũng giảm 17%, một phần do giảm khách du lịch quốc tế di chuyển trong nước và một phần do du lịch trong nước trong kỳ nghỉ hè năm nay sẽ giảm vì học sinh dự kiến học bù vào mùa hè.
Với những giả định này, SSI ước tính doanh thu năm 2020 của ACV sẽ đạt 14,9 nghìn ỷ đồng, giảm 19% so với năm ngoái.
Mặc dù các chuyến bay và hành khách có thể bị cắt giảm, ACV vẫn cần duy trì tất cả hoạt động như trước đó (ví dụ: dịch vụ check-in, an ninh, chiếu sáng, dịch vụ mặt đất …) và không thể cắt giảm chi phí tương ứng với mức giảm của hành khách, do đó, SSI đưa ra ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 5,3 nghìn tỷ đồng, giảm 36%.
Với kịch bản xấu nhất (phục hồi sau quý III/2020), tổng sản lượng hành khách có thể chỉ đạt 66 triệu lượt, giảm 43% do sản lượng hành khách Trung Quốc giảm 70% và sản lượng hành khách Hàn Quốc giảm 59%.
Tình trạng này có thể khiến tổng sản lượng hành khách quốc tế giảm 50% trong năm 2020 và sản lượng hành khách trong nước giảm 40%.
Theo đó, doanh thu năm 2020 của ACV ước tính đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, giảm tới 42%. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm tới 71%.