Tài chính doanh nghiệp

Thách thức nào với ACV?

Phương Hà 11/02/2025 02:07

Áp lực trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản phải thu và rủi ro đồng Yên Nhật tăng giá sẽ là thách thức không nhỏ đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV).

Bieu do T7
Tỷ lệ trích lập/tổng nợ xấu theo hãng hàng không của ACV

Năm 2025, ACV đặt mục tiêu đón gần 119 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt 44 triệu lượt và khách nội địa gần 73 triệu lượt. Tổng doanh thu năm 2025 được doanh nghiệp kỳ vọng đạt 21.782 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.713 tỷ đồng.

Lãi lớn trong năm qua

ACV vừa công bố kết qủa kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, với lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, doanh thu thuần của ACV ghi nhận hơn 5.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.085 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 111% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả kinh doanh của ACV trong quý 4/2024 được hỗ trợ bởi ba yếu tố chính.

Thứ nhất là sự phục hồi của thị trường hàng không quốc tế. Thứ hai, việc hoàn nhập dự phòng nợ khó đòi đã giúp chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể từ 1.395 tỷ xuống còn 192 tỷ đồng.

Thứ ba, đồng Yên suy yếu so VND đã mang lại khoản lãi tỷ giá đáng kể, hơn 650 tỷ đồng cho ACV.

Lũy kế năm 2024, ACV đạt doanh thu thuần 22.555 tỷ đồng và lợi nhuận ròng vượt ngưỡng 11.560 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 37% so với năm 2023. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACV.

Áp lực trích lập dự phòng rủi ro

Đáng lưu ý trong báo cáo tài chính năm 2024 của ACV là khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng lên tới 10.444 tỷ đồng, buộc ACV phải trích lập dự phòng rủi ro 3.785 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu từ Bamboo Airways là 2.375 tỷ đồng, Pacific Airlines là 889 tỷ đồng và Vietravel Airlines 370 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu từ Vietnam Airlines và Vietjet Air có tỷ lệ trích lập dự phòng thấp hơn đáng kể.

Theo các chuyên gia tài chính, ACV là doanh nghiệp đang đảm nhận vai trò chủ đầu tư dự án Sân bay Quốc tế Long Thành - công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4,6 tỷ USD. Dự án này đang nhận được sự quan tâm và thúc đẩy đặc biệt từ Chính phủ. Do vậy, việc trích lập dự phòng cho các khoản phải thu là tất yếu. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động tới dòng tiền kinh doanh khi doanh nghiệp này phải triển khai dự án lớn mang tầm quốc gia.

Thách thức không nhỏ

Như đã phân tích ở trên, ngoài trích lập dự phòng rủi ro, hiện nay tổng nợ phải trả của ACV lên tới 17.328 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 7.721 tỷ đồng. Đặc biệt, ACV đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá, nhất là từ đồng Yên Nhật do công ty này có khoản nợ dài hạn lớn từ vốn ODA, ước tính 63,5 tỷ Yên.

Trong năm 2024, đồng Yên tiếp tục suy yếu, đã giúp ACV ghi nhận khoản lợi nhuận chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm khoảng 517 tỷ đồng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, khoản lợi nhuận này nhiều khả năng sẽ biến mất hoàn toàn do sự phục hồi của đồng Yên, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai gần. Chính vì vậy, ACV có thể phải đối mặt với rủi ro lỗ tỷ giá khi biến động tài chính trên thị trường thế giới chưa dừng lại.

Ngoài ra, rủi ro kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảm đạm do chịu ảnh hưởng của bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại tại hầu hết các quốc gia, bất ổn chính trị ngày càng gia tăng, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài dẫn đến giao thương quốc tế giảm sút, nhu cầu đi lại không thiết yếu giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của ACV.

11.560 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế năm 2024 của ACV, tăng 37% so với thực hiện trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức nào với ACV?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO