ACV có khả năng huy động vốn làm nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất?

Linh Nga 06/12/2019 00:00

Hiện ACV đang được đầu tư một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thì liệu có đủ sức làm Nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất?

trong bối cảnh hành khách liên tục tăng trưởng 2 con số, sân bay Tân Sơn Nhất luôn được nhắc đến như một điểm nghẽn về hạ tầng cần sớm được tháo gỡ và việc đầu tư nhà ga hành khách T3 tại đây là một trong những công việc quan trọng cần triển khai cấp bách.

Trong bối cảnh hành khách liên tục tăng trưởng 2 con số, sân bay Tân Sơn Nhất luôn được nhắc đến như một điểm nghẽn về hạ tầng cần sớm được tháo gỡ và việc đầu tư nhà ga hành khách T3 tại đây là một trong những công việc quan trọng cần triển khai cấp bách.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, có công suất 20 triệu khách/năm và sử dụng nguồn vốn góp của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước… Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha. 

Cảng hàng không này đang có kế hoạch cải tạo để nâng tổng công suất của nhà ga T1, T2 lên 30 triệu hành khách/năm, vì vậy việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm là phù hợp với quy hoạch của TP.HCM để nâng tổng công suất của toàn cảng lên 50 triệu hành khách/năm. 

Về tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Trong giai đoạn chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án như của ACV có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở bước lập báo cáo khả thi tiếp theo, ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục thuộc dự án bảo đảm đúng định mức kinh tế kỹ thuật”.

Điều đáng nói là hiện ACV đang được đầu tư một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thì liệu có đủ sức làm Nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất?

Theo báo cáo của ACV, vốn đầu tư của Dự án được huy động từ vốn góp của ACV. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán của ACV tại thời điểm 31/12/2018, ACV có nguồn vốn chủ sở hữu là 30.749 tỷ đồng, nợ phải trả là 22.775 tỷ đồng (gồm nợ dài hạn 15.154 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 7.621 tỷ đồng), tài sản dài hạn là 22.260 tỷ đồng.

Như vậy, tại thời điểm này, ACV có khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư Dự án tối đa khoảng 23.643 tỷ đồng, bảo đảm cho khả năng huy động vốn.

Mặc dù hiện ACV đang đề nghị thực hiện đầu tư một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng theo tính toán của nhà đầu tư này, ACV có khả năng bố trí 36.738 tỷ đồng để thực hiện Dự án.

Do đó, Bộ KH&ĐT nhận định, “khả năng huy động nguồn vốn của ACV được bảo đảm”. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh “ACV chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu giải trình về nguồn vốn đầu tư Dự án”.

Về tiến độ thực hiện Dự án, ACV đề xuất dự kiến là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, bao gồm: chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng là 12 tháng; xây dựng là 24 tháng và cấp phép hoạt động 1 tháng. Tuy nhiên, theo Bộ này nhận định, tiến độ trên khó khả thi vì Dự án phải thực hiện các công việc (thi tuyển kiến trúc, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…). Do đó, ACV phải có tính toán cụ thể, điều chỉnh phù hợp với thực tế và phải chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện để đảm bảo hiệu quả đầu tư. 

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là dự án gây sự chú ý của dư luận khi có sự đề xuất tham gia của khá nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng Bộ GTVT lại chỉ định ACV làm nhà đầu tư với lý do để bảo đảm nguyên tắc mỗi sân bay chỉ có một người khai thác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ACV có khả năng huy động vốn làm nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO