NIỀM TIN TRONG TÂM BÃO COVID-19: Sức khỏe kinh tế và niềm tin cộng đồng
Doanh nghiệp nên tập trung vào yếu tố nền tảng-căn cơ (Fundamental) và Linh hoạt (Flexible) sẽ giúp doanh nghiệp năng động, sáng tạo vượt khó trong tâm bão COVID-19...
“Niềm tin thật sự là một thứ có thể thay đổi mọi thứ” - những nhà lãnh đạo trở nên “chân chính” khi họ thực hành những hành vi quan trọng giúp tiếp thêm sức mạnh và truyền cảm hứng cho mọi người qua những thời điểm khó khăn…
Ông Phạm Việt Anh – Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp chia sẻ với DOANH NHÂN rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với chủ trương chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này cũng “không phải điều gì quá tồi tệ”. Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương (1,81% nửa đầu năm 2020) trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.
Trong “nguy sẽ có cơ”
- Thưa ông, đến giờ phút này chúng ta có thể nói rằng kinh tế Việt Nam và thế giới đã rơi vào cuộc khủng hoảng hay chưa?
Chúng ta chưa biết dịch COVID-19 bao giờ mới kết thúc và hiện thời gian khá dài hơn nửa năm nay. Và dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Tốc độ suy thoái đã rõ ràng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vốn có đóng góp trên 60% GDP thế giới cũng đang cực kỳ khó khăn.
Về mặt lý thuyết nếu tăng trưởng kinh tế trong hai quý liên tục sụt giảm thì nền kinh tế rơi vào suy thoái. Và nếu suy thoái kinh tế kéo dài sẽ gây ra khủng hoảng. Do đó, cần bảo vệ được lòng tin của người dân và khẳng định sẽ kiểm soát được dịch bệnh để mọi thứ dần đi vào bình thường thì hy vọng kinh tế bớt bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tại Việt Nam, cho tới thời điểm này bắt đầu dịch giai đoạn 2 với sự bùng phát dịch ở Đà Nẵng. Theo góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó, việc lan rộng tuy có lúng túng ban đầu nhưng đến giờ phút này đã có những hành động khá kịp thời và tốt trong công tác phòng chống dịch.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, Việt Nam từng đi lên từ nền kinh tế bao cấp, tự cung tự cấp nên việc khoanh vùng, cô lập hay thực hiện giãn cách xã hội tốt và thuận lợi hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo được niềm tin và ý thức cho người dân trong những lần chống dịch trước. Do vậy, tôi tin rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi chúng ta sẽ khống chế được dịch và không nên quá lo lắng.
- Liệu tăng trưởng cả năm có thể đạt được 3-4% như Chính phủ kỳ vọng không, thưa ông?
Trong khi cả thế giới đang suy giảm kinh tế nặng nề mà theo báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của WB, kinh tế thế giới dự kiến giảm 5,2% trong năm 2020. Cụ thể hơn, các nước kinh tế phát triển sẽ giảm 7%, trong đó khu vực đồng euro có mức giảm lên tới 9,1%... thì Việt Nam là điểm sáng khi tăng trưởng dương. Duy trì được mức tăng trưởng dương 3-4% đã là sự nỗ lực rất lớn và khả quan hơn rất nhiều quốc gia khác.
- Trong “cỗ xe tam mã” mà Chính phủ đang tập trung thực hiện, giúp phục hồi tăng trưởng GDP (đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng), ông có kiến nghị gì không?
Việt Nam mặc dù đã có những khả quan trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trong những tháng cuối năm 2020, hy vọng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi. Một thuận lợi nữa cần phải kể đến đó là Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương đẩy mạnh trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực và cũng là tạo đà cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Về tiêu dùng trong “cỗ xe tam mã” như Thủ tướng nói thì chúng ta vẫn còn dư địa để phát triển. Dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở trong nước vẫn còn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng nền kinh tế. Khoan nói tới những tác động lâu dài về khả năng nợ xấu thì có thể thấy tăng trưởng thị trường nợ (tài chính tiêu dùng) là có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP ngắn hạn.
Đầu tư công – đây được xem là động lực tăng trưởng mạnh nhất thì chúng ta lại cũng đang phải lo lắng nhất do tốc độ giải ngân còn chậm. Thúc đẩy đầu tư công cũng là cách để chúng ta duy trì được tăng trưởng và tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Nếu Chính phủ và các địa phương thúc đẩy đầu tư công vào hạ tầng thì sẽ đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng cuối năm nay.
Mới đây, Thành ủy TP HCM có đưa ra Đề án tăng tỷ lệ ngân sách trong 10 năm tới từ 18 lên 24-28%. Tôi cho rằng nếu được thông qua thì sẽ rất tốt. TP HCM vốn là một trong những đầu tàu kinh tế và có sự phát triển kinh tế năng động, việc được tăng tỷ lệ ngân sách sẽ giúp cho thành phố có đóng góp lớn vào GDP cả nước như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói “để lại một đồng, TP.HCM sẽ tạo sản phẩm gấp 3 lần”.
Nỗi sợ “mất niềm tin”
- Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các gói kích thích kinh tế được Chính phủ đưa ra? Ông có đánh giá ra sao?
Dịch bệnh sẽ còn tác động mạnh lên hành vi cũng như lòng tin tiêu dùng của người dân. Và chắc chắn, nền kinh tế trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các gói hỗ trợ Chính phủ đưa ra là toàn diện, đầy đủ nhưng đâu đó việc thực hiện triển khai còn chưa tới được. Nhiều điều kiện đưa ra cần phải thay đổi để phù hợp với quy mô và loại hình doanh nghiệp… Tôi cho rằng lúc này, không có gói kích thích kinh tế nào quan trọng bằng nỗi sợ “mất niềm tin”. Như mọi dịch bệnh, cuối cùng COVID-19 cũng sẽ phải kết thúc.
- Stephen M. R. Covey, tác giả cuốn sách Tốc độ của niềm tin nói, “Niềm tin không chỉ là một loại đức hạnh trong xã hội, mà còn là một lực đẩy kinh tế có thể đo lường được. Không gì có thể sinh lợi bằng bản chất kinh tế của niềm tin. Không có gì chiếm lĩnh vị trí trung tâm đối với lãnh đạo như những mối quan hệ được xây dựng bằng niềm tin...” Và ông có có đồng quan điểm cho rằng “niềm tin thật sự là một thứ"?
Tôi đồng ý với quan điểm này. Điều quan trọng nhất là các doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp phải giữ vững niềm tin, thể hiện được sự kiên định và tính linh hoạt. Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải tận dụng các lợi thế linh hoạt từ mô hình hoạt động để điều hướng phù hợp với tình hình.
Các doanh nghiệp lớn hơn, quy mô hơn chắc chắn khó khăn cũng còn rất khủng khiếp thì cần phải cắt giảm những hoạt động không cần thiết, tính toán phù hợp lại nhu cầu thị trường và sáng tạo ở sản phẩm để tồn tại và phục hồi sau dịch.
- Là người có nhiều cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp, ông có cho rằng doanh nhân Việt Nam dễ dàng bị “gục đổ” niềm tin?
Tinh thần của doanh nhân Việt luôn là tinh thần lạc quan, có niềm tin. Chúng ta có bề dày văn hoá, có tinh thần chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm, trong bao gian khó vẫn luôn lạc quan và sáng tạo để tồn tại… Trong công cuộc làm giàu cho đất nước thì những người doanh nhân – người lính thời bình chắc chắn cũng đã trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc, nhưng trên tất cả, tinh thần lạc quan đã luôn là tài sản vô giá của người Việt, trở thành một trong những yếu tố cấu thành “thương hiệu” của Dân tộc Việt Nam.
Doanh nghiệp nên tập trung vào yếu tố nền tảng-căn cơ (Fundamental) và Linh hoạt (Flexible) sẽ giúp doanh nghiệp năng động, sáng tạo vượt khó trong thời gian này, và đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi kế tiếp.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Có thể bạn quan tâm
"Ứng phó” với khủng hoảng niềm tin
11:00, 24/08/2020
Kinh doanh mùa Covid-19: Khi niềm tin lên ngôi
13:19, 20/08/2020
Nhận diện DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG: Niềm tin ở lại
19:30, 08/07/2020
COVID-19 và giá trị của niềm tin
06:00, 21/06/2020
Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình và "triết lý" tạm ứng niềm tin trong chiêu mộ nhân tài
02:00, 08/06/2020
PCI 2019 - sự đồng điệu của cải cách: Khơi dậy niềm tin của doanh nghiệp
21:45, 05/05/2020