Gỡ “rào cản” phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh - xã hội. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều rào cản đối với đầu tư năng lượng tái tạo.
Chồng chất khó khăn
Những năm qua, các nhà máy năng lượng tái tạo(năng lượng mặt trời, điện gió) đã góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an ninh quốc phòng. Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW (gần 2.000 MW điện gió và mặt trời) thì công suất mới đạt gần 60.000 MW. Còn theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW.
Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đã khai thác hết. Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là bước đi đảm bảo bền vững, ổn định của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Pacifico Energy Việt Nam, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam mới thực sự chuyển mình trong vài năm gần đây. Đó là sau khi có Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ điện mặt trời (năm 2017) và Quyết định số 39 của Thủ tướng về giá FiT lần thứ 2 của điện gió (năm 2019). Sau khi có những Quyết định trên, điện mặt trời đã có những bước phát triển vượt bậc, hiện đã có gần 100 nhà máy điện mặt trời với 4.500MW.
Dù vậy, các nhà đầu tư cho rằng, đầu tư năng lượng tái tạoViệt Nam còn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là mạng lưới truyền tải điện. Từ cuối năm 2019 đến nay, mạng lưới điện Việt Nam không đủ khả năng truyền tải cho điện mặt trời, nhất là 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Vì thế, hầu hết các nhà máy điện trong khu vực đều bị cắt giảm công suất dẫn đến lãng phí lớn.
“Nhà đầu tư sản xuất được điện mà không thu được tiền, còn nhà nước không mua được điện trong khi nguy cơ thiếu điện đang rất hiện hữu. Nguyên nhân là bởi khả năng truyền tải không đủ đáp ứng”, TS. Giang nói.
Cũng theo TS. Giang, trong mỗi loại hình năng lượng tái tạo lại có những khó khăn khác nhau. Ví như, với điện mặt trời, trong thời gian tới các nhà đầu tư vẫn chưa rõ cơ chế hỗ trợ như thế nào, về giá mua và chính sách dài hạn. Vì thế, nhiều nhà đầu tư không dám đầu tư tiếp vào điện mặt trời, nhất là điện mặt trời đấu lưới; còn điện mặt trời áp mái thì phải vừa làm vừa xem xét, học hỏi và xin cơ chế.
“Các nhà đầu tư trong nước chững lại, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đối với điện mặt trời gần như buông hoặc tạm dừng chờ chính sách mới”, TS. Giang nói.
Còn về điện gió, cơ chế hiện nay về giá có thể nói là đang khuyến khích nhà đầu tư. Mặc dù, rất nhiều dự án đã được phê duyệt và triển khai xây dựng nhưng nhà đầu tư không khỏi lo lắng. TS. Giang khẳng định: Khi tính toán kỹ lưỡng thì thấy lợi nhuận dự án không hấp dẫn và gần như không thấy được lợi nhuận thực sự để khuyến khích đầu tư. Trong khi đó, chỉ hơn 1 năm nữa, giá mua điện gió ưu đãi như hiện nay sẽ chấm dứt. Vì thế, nhiều nhà đầu tư vừa làm vừa chờ chính sách hoặc dừng lại. Bởi điện gió phức tạp hơn, kỹ thuật khó hơn, vốn và rủi ro cao hơn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cơ chế quy hoạch làm chậm quá trình phê duyệt kế hoạch của các dự án.
Trong khi đó, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá tuabin để xây nhà máy điện gió không giảm, giá xây dựng không giảm, thủ tục xây dựng phức tạp, chi phí tăng cao. Nếu giá bán điện lại giảm thì sẽ khiến nhà đầu tư điện gió hoang mang, thậm chí phá sản. Vì vậy, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết như vậy.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group chia sẻ, 10 năm - cho tới thời điểm này cả nước làm được khoảng 420MW điện gió, trong đó Trung Nam làm được 151MW. Với giá bán điện hiện là 8,5cent có thể nói Trung Nam đàm phán được thiết bị cũng như dòng tiền tương đối tốt. Nếu bây giờ giá giảm dưới 8,5 cent tất cả dự án điện gió sẽ dừng lại. Bởi chỉ riêng chi phí một trạm điện trên biển sẽ có giá trên gần 200 triệu USD.
Cần chính sách cụ thể và dài hơi
Có thể nói, ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang thực sự bước vào thời điểm “vàng”. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán phát triển năng lượng bền vững là một thách thức không nhỏ và cần rất nhiều những nỗ lực từ các nhà đầu tư, đặc biệt là một cơ chế, chính sách dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho rằng, những tồn tại, bất cập của ngành năng lượng tái tạo thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Theo ông Nguyễn Quang Huân, để doanh nghiệp đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, từ đó hạn chế tình trạng thiếu điện.
Theo đó, Chính phủ cần đưa ra chính sách dài hạn. Giá FiT phải đủ dài để các doanh nghiệp huy động vốn và yên tâm đầu tư. Thứ hai, quá trình phê duyệt dự án từ địa phương đến MOIT và Chính phủ phải minh bạch, rõ ràng. Ví như, dự án nào được, dự án nào không phải được công khai cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, thời hạn phê duyệt dự án cũng phải công khai chứ không thể cứ “om” hồ sơ vài tháng, thậm chí cả năm như hiện nay.
Ngoài ra, khu vực nào, tỉnh nào mà Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) quá tải, không tiếp nhận được điện năng lượng tái tạo thì phải thông báo rộng rãi. Địa phương cần đánh giá trung thực năng lực nhà đầu tư để lựa chọn được những doanh nghiệp thực sự đầu tư hoặc có khả năng kêu gọi vốn đầu tư, tránh mua bán dự án lòng vòng mất thời gian.
Chính phủ cần có lãi suất vốn vay ưu đãi đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Nhà nước cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và tư nhân, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.
Có thể bạn quan tâm
Cần đòn bẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam
05:00, 04/08/2020
ĐIỂM BÁO DOANH NHÂN THÁNG 7: "Thắp sáng năng lượng tái tạo"
04:30, 01/08/2020
"THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Chính sách kiến tạo thành công
11:00, 29/07/2020
“THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Giải bài toán bù đắp thiếu hụt điện năng
11:00, 28/07/2020
"THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Xã hội hoá truyền tải điện
11:00, 26/07/2020
Năng lượng tái tạo mở ra bước ngoặt giao thương mới giữa Phần Lan và Việt Nam
05:02, 23/07/2020
TGĐ nhà máy điện mặt trời Hòa Hội: "Con đường đầu tư vào năng lượng tái tạo không hề bằng phẳng"
16:07, 22/07/2020