Việc tối ưu hoá cơ cấu nguồn điện là thực sự cần thiết, giống như đòn bẩy hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời giúp phát triển bền vững nguồn điện sạch trong tương lai.
Với tính đa dạng về nguồn nhiên liệu sơ cấp ở Việt Nam, việc xác định được đâu là tỷ trọng hợp lý cho từng loại hình nguồn điện là điều rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, đảm bảo các yếu tố về mặt an toàn hệ thống, môi trường, và đặc biệt chi phí sản xuất điện.
Vì sao tối ưu hoá cơ cấu nguồn điện là thực sự cần thiết, giống như đòn bẩy hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Phạm Minh Thành – Giám đốc Quốc gia Việt Nam, giám đốc phát triển khu vực Đông Nam Á – Tập đoàn Wärtsilä Phần Lan về vấn đề này.
- Theo ông nhận định, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang ở giai đoạn nào? Thị trường Việt Nam có những điểm mạnh và điểm yếu gì?
Ở Việt Nam hiện nay, Chính phủ đã có những cơ chế chính sách ưu đãi về giá bán điện cố định – FIT (Feed-In-Tariff) để thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Giá FIT đã có những tác động rất mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn với lượng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tái tạo đã vượt xa mục tiêu ban đầu trong Quy hoạch điện.
Cụ thể, chỉ trong vòng một năm, chúng ta đã có hơn 5.000 MW điện mặt trời, giúp Việt Nam trở thành nước có tổng công suất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, gần gấp đôi nước xếp thứ 2 là Thái Lan. Kết quả này đã làm cho thế giới ngạc nhiên trong đó có những quốc gia hàng đầu về phát triển năng lượng tái tạo.
Về việc phát triển năng lượng tái tạo lâu dài, như các thị trường điện đã phát triển trên thế giới, giá FIT chỉ có thể áp dụng trong thời gian đầu để thu hút đầu tư. Sau đó cần có những cơ chế khác như đấu thầu cạnh tranh để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả các nguồn điện sạch này.
Thị trường điện Việt Nam trong những năm trước đây có sự tham gia của các nguồn điện truyền thống như thủy điện, than, khí,... Những nguồn điện này đã đáp ứng được nhu cầu phụ tải cao khoảng 10%/năm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khả năng cung cấp nhiên liệu sơ cấp đã gặp khó khăn khi nguồn cung ứng than và khí trong nước cho phát điện đã giảm, dẫn tới việc phải nhập khẩu từ nước ngoài và tình hình thủy văn không thuận lợi đã làm ảnh hưởng tới khả năng cung ứng điện.
Bên cạnh đó, một số các dự án điện truyền thống lớn cũng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ đề ra. Do vậy, việc phát triển các nguồn điện mới như năng lượng tái tạo là một giải pháp để đảm bảo nhu cầu điện ngày càng tăng.
- Tại sao cần phải tối ưu hoá cơ cấu nguồn điện, thưa ông?
Với tính đa dạng về nguồn nhiên liệuu sơ cấp ở Việt Nam, việc xác định được đâu là tỷ trọng hợp lý cho từng loại hình nguồn điện là điều rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, đảm bảo các yếu tố về mặt an toàn hệ thống, môi trường, và đặc biệt chi phí sản xuất điện.
Việc tối ưu hoá cơ cấu nguồn điện là thực sự cần thiết, giống như đòn bẩy hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời giúp phát triển bền vững nguồn điện sạch trong tương lai.
Có nhiều nhận định rằng, hệ thống điện hiện nay có thể tích hợp tới 20% công suất năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, khi nguồn điện này có giá thành thấp hơn trong tương lai thì hệ thống có thể tích hợp tối đa bao nhiêu phần trăm? Các nguồn điện này không ổn định và khó có thể dự báo chính xác, trong một ngày gió lặng hoặc nhiều mây, thì sẽ có sự sụt giảm lớn về điện năng từ các nhà máy điện gió và mặt trời.
Như vậy, để tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn, thì cơ cấu nguồn điện tối ưu sẽ cần những những loại hình nguồn điện nào? Tại Diễn đàn Năng lượng Thông minh được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch và Tổng giám đốc tập đoàn Wärtsilä - ông Jaakko Eskola cũng đã nhấn mạnh về sự cần thiết của những nguồn điện linh hoạt để hỗ trợ cho việc tích hợp năng lượng tái tạo và tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trong tương lai. Trong đó, cần xử lý và quản lý những vấn đề dao động ngắt quãng của năng lượng tái tạo và làm thế nào có thể nâng cao độ ổn định của những nguồn này, cũng như tích hợp năng lượng tái tạo vào trong hệ thống điện sẵn có, phối hợp với những nhà máy điện hiện còn chưa linh hoạt, để đảm bảo hiệu quả hơn trong những năm sắp tới.
- Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm cũng như các giải pháp từ Wärtsilä có thể hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và ưu điểm là gì, thưa ông?
Wärtsilä là tập đoàn toàn cầu có trụ sở chính ở Phần Lan và được thành lập năm 1834. Chúng tôi là đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp năng lượng linh hoạt, trong đó có nhà máy điện khí sử dụng động cơ đốt trong ICE (Internal Combustion Engine) và hệ thống pin tích trữ năng lượng ESS (Energy Storage System).
Cả hai giải pháp này đều có độ linh hoạt rất cao với khả năng cung cấp 100% công suất trong vòng mili giây (ESS) và 2 phút ( đối với động cơ ICE).
Đặc biệt, các nhà máy điện khí ICE có thể hoạt động ở nhiều chế độ vận hành khác nhau như: khởi động nhanh, chạy nền, cân bằng hệ thống, phủ đỉnh, dự phòng quay,… tuỳ thuộc vào nhu cầu của hệ thống điện. Đây là ưu điểm rất phù hợp cho việc hỗ trợ các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong việc hòa lưới một cách ổn định nhất.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện khí ICE được thiết kế dạng module nên thời gian xây dựng rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 12 tháng, tương đương với các nhà máy điện tái tạo, giúp cho việc đảm bảo cung ứng điện nhanh chóng và tối ưu hóa việc vận hành các nhà máy điện tái tạo một cách kịp thời.
Hiện nay, Wärtsilä đã lắp đặt hơn 72.000 MW các nhà máy điện ở 180 nước trên thế giới, trong đó riêng khu vực Đông Nam Á là hơn 10.000 MW.
- Khi tham gia vào thị trường Việt Nam, Wärtsilä có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Trước tiên, tôi xin được nhấn mạnh công nghệ ICE không phải là công nghệ mới. Đây là công nghệ đã được phát triển từ những năm 1860 và đã được ứng dụng vào các lĩnh vực như hàng hải, giao thông, năng lượng,…
Khi chúng tôi giới thiệu công nghệ này ở Việt Nam, có nhiều người nghe tới nhà máy điện khí thì nghĩ ngay đây là công nghệ tuabin khí truyền thống (gas turbine). Tuy nhiên, đây thực chất là hai công nghệ hoàn toàn khác hẳn nhau. Chúng ta có thể so sánh đơn giản rằng, công nghệ tuabin khí thì giống như của động cơ máy bay còn công nghệ ICE thì giống như động cơ xy lanh 4 thì của ô tô.
Do công nghệ khác nhau nên vai trò và ứng dụng của hai loại hình nhà máy điện khí này trong hệ thống điện cũng khác nhau. Các nhà máy điện sử dụng tuabin khí chu trình hỗn hợp CCGT (Combined Cycle Gas Turbine) thì phù hợp cho việc đảm bảo công suất nền ở hiệu suất cao, trong khi đó các nhà máy điện sử dụng động cơ ICE với độ linh hoạt cao thì phù hợp cho việc cân bằng hệ thống và hỗ trợ các nhà máy điện tái tạo.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đã nêu “đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Do vậy, việc đa dạng hóa các loại hình công nghệ sử dụng cho những nhà máy điện khí sẽ giúp cho hệ thống điện luôn được ổn định và có độ tin cậy cao cùng với việc đáp ứng được nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.
- Vậy khi gia nhập thị trường Việt Nam, Wärtsilä có kỳ vọng phát triển như thế nào và chiến lược trong giai đoạn tới của công ty ra sao, thưa ông?
Với các thị trường điện trên toàn thế giới, chúng tôi đều tin rằng, trong tương lai, nguồn điện tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất. Với sự dịch chuyển năng lượng tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhu cầu cho các nguồn điện linh hoạt trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
Tại buổi hội thảo góp ý lần đầu được tổ chức bởi Bộ Công Thương (MOIT) vào ngày 8 tháng 7 năm 2020, kết quả sơ bộ của Quy hoạch điện 8 mới (PDP8) đã khuyến nghị đưa vào các nhà máy điện khí sử dụng động cơ ICE để hỗ trợ năng lượng tái tạo. Đây là sự khác biệt so với các quy hoạch điện trước đây với việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của độ linh hoạt trong hệ thống điện.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ chia sẻ kết quả của một nghiên cứu về việc ứng dụng các giải pháp linh hoạt, cụ thể là nhà máy điện khí sử dụng động cơ ICE với hệ thống điện Việt Nam trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO DOANH NHÂN THÁNG 7: "Thắp sáng năng lượng tái tạo"
04:30, 01/08/2020
"THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Chính sách kiến tạo thành công
11:00, 29/07/2020
“THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Giải bài toán bù đắp thiếu hụt điện năng
11:00, 28/07/2020
"THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Xã hội hoá truyền tải điện
11:00, 26/07/2020
Năng lượng tái tạo mở ra bước ngoặt giao thương mới giữa Phần Lan và Việt Nam
05:02, 23/07/2020
TGĐ nhà máy điện mặt trời Hòa Hội: "Con đường đầu tư vào năng lượng tái tạo không hề bằng phẳng"
16:07, 22/07/2020
Hạ tầng truyền tải không theo kịp dự án năng lượng tái tạo
21:34, 09/07/2020