Nguồn nhân lực xanh đóng vai trò cốt lõi trong việc chuyển hóa các cam kết phát triển xanh thành hành động thực tiễn trong doanh nghiệp và toàn xã hội.
“Nguồn nhân lực xanh” (Green human resources) được hiểu là lực lượng lao động có năng lực chuyên môn, kỹ năng và nhận thức phù hợp để thực hiện những công việc góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, và thúc đẩy các giá trị phát triển bền vững trong doanh nghiệp.
Đây không chỉ là những nhân sự làm việc trực tiếp trong lĩnh vực môi trường hay năng lượng tái tạo, mà còn bao gồm cả những cá nhân trong các bộ phận khác nhau (như sản xuất, công nghệ, du lịch, marketing, tài chính...) nhưng có khả năng tích hợp yếu tố “xanh” vào công việc hằng ngày.
Nguồn nhân lực xanh đóng vai trò cốt lõi trong việc chuyển hóa các cam kết phát triển xanh thành hành động thực tiễn trong doanh nghiệp và toàn xã hội. Họ không chỉ là những người trực tiếp vận hành các dây chuyền sản xuất sử dụng công nghệ sạch hay thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, mà còn là những người quyết định hiệu quả của các chiến lược phát triển bền vững thông qua việc quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và khoa học. Bên cạnh đó, lực lượng này còn là nguồn cảm hứng đổi mới và sáng tạo, góp phần tạo ra các giải pháp đột phá trong nhiều lĩnh vực đang là ưu tiên của nền kinh tế xanh. Nguồn nhân lực xanh không chỉ là người thực hiện, mà còn là người kiến tạo và dẫn dắt xu hướng phát triển bền vững. Họ chính là cầu nối giữa tầm nhìn chiến lược về tăng trưởng xanh với quá trình triển khai cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.
Thực thi các cam kết phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất – kinh doanh: Nguồn nhân lực xanh là lực lượng đóng vai trò chuyển hóa chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp thành hành động cụ thể. Họ tham gia triển khai các quy trình sản xuất sạch, kiểm soát tiêu hao năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và xử lý chất thải hiệu quả, đề xuất các mô hình kinh doanh bền vững. Những hoạt động này giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực tới môi trường, góp phần vào trụ cột môi trường của phát triển bền vững.
Thúc đẩy công bằng xã hội trong môi trường làm việc: Một trong ba trụ cột của phát triển bền vững là xã hội. Nhân lực xanh không chỉ quan tâm đến môi trường, mà còn thể hiện vai trò trong xây dựng môi trường làm việc an toàn, công bằng và có đạo đức. Họ là lực lượng thúc đẩy văn hóa tổ chức gắn với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), tạo ra sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và người lao động.
Truyền cảm hứng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững: Nhân lực xanh đóng vai trò lan tỏa tư duy bền vững đến toàn bộ hệ thống. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nội bộ, đề xuất sáng kiến xanh hóa văn phòng, hoặc tổ chức các chiến dịch giảm nhựa, tiết kiệm điện nước, họ góp phần hình thành văn hóa doanh nghiệp bền vững – một yếu tố ngày càng được các nhà đầu tư và khách hàng quốc tế quan tâm.
Tăng khả năng thích ứng và phát triển dài hạn của doanh nghiệp: Trong bối cảnh thị trường toàn cầu yêu cầu minh bạch về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân lực hiểu và thực hành các tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là điều kiện để doanh nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, tiếp cận các nguồn tài chính xanh, và mở rộng thị trường xuất khẩu trong dài hạn.
Thực trạng phát triển nguồn nhân lực xanh
Nguồn nhân lực xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, tuy nhiên trong những nghiên cứu gần đây cho thấy mặc dù nhận thức về quản trị nhân lực xanh - tức việc tích hợp các thực hành nhân sự hướng tới môi trường đang gia tăng, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự đưa quản trị nhân lực xanh trở thành một phần chiến lược nhân sự cốt lõi, đặc biệt là trong các ngành như du lịch, khách sạn. Báo cáo của UNDP cho thấy tới 60% thanh niên Việt Nam có thể thiếu các kỹ năng xanh cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Theo dữ liệu LinkedIn toàn cầu, trong khoảng thời gian 2022‑2023, chỉ có 12,3% lao động làm công việc xanh và tỷ lệ người có ít nhất một kỹ năng xanh là 22,4%, tức là thị trường nhu cầu xanh đang lớn gấp đôi nguồn cung và khoảng 7/8 người lao động hiện nay không sở hữu kỹ năng xanh cơ bản.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực xanh
Ở góc độ từ phía doanh nghiệp cần một số giải pháp như: Đưa “năng lực xanh” vào tiêu chí tuyển dụng: Doanh nghiệp cần xác định rõ các yêu cầu về kiến thức môi trường, kỹ năng quản lý tài nguyên, tư duy bền vững trong bảng mô tả công việc. Điều này giúp lựa chọn được ứng viên phù hợp với định hướng phát triển xanh ngay từ đầu.
Tổ chức đào tạo nội bộ về ESG và phát triển bền vững: Doanh nghiệp nên triển khai các khóa học, hội thảo hoặc mời chuyên gia về chia sẻ kiến thức về ESG, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch... để nâng cao năng lực đội ngũ hiện tại.
Thiết lập môi trường làm việc hỗ trợ hành vi bền vững: Khuyến khích nhân viên thực hành lối sống xanh như giảm sử dụng giấy, tiết kiệm điện, nước; bố trí không gian xanh; khen thưởng các sáng kiến về đổi mới xanh.
Giải pháp từ phía cơ sở giáo dục đào tạo: Lồng ghép phát triển bền vững vào chương trình đào tạo: Các trường đại học, cao đẳng cần tích hợp nội dung về biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, tiêu dùng bền vững vào các học phần, đặc biệt ở khối ngành kinh tế, kỹ thuật, quản trị.
Tăng cường kỹ năng thực hành và tư duy liên ngành: Tổ chức các hoạt động mô phỏng doanh nghiệp xanh, học phần thực tế tại doanh nghiệp, và các môn học tích hợp kỹ năng đa lĩnh vực để sinh viên có khả năng áp dụng linh hoạt.
Phát triển nguồn nhân lực xanh không chỉ là xu thế mà còn là nền tảng chiến lược giúp doanh nghiệp thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đây là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường. Nguồn nhân lực xanh, với kiến thức và kỹ năng liên quan đến phát triển bền vững, sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn và quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững.