Đã đến lúc cần một đầu mối nhập khẩu than?

THY HẰNG 09/09/2020 16:01

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta cần có đơn vị đầu mối có năng lực, kinh nghiệm để nhập khẩu than cho tất các dự án điện than trong tương lai.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu một lượng lớn than cho phát điện trong năm 2019, và những năm tới sẽ tiếp tục phải gia tăng lượng than và khí hóa lỏng - LNG nhập khẩu cho sản xuất điện.

Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Ước tính Việt Nam cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Áp lực nguyên liệu cho điện than

Hiện nguồn năng lượng sơ cấp trong nước cạn kiệt không đảm bảo sản xuất điện, nguồn than và khí tới đây cũng phải nhập khẩu với mức độ phụ thuộc ngày càng lớn. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Tới đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021 - 2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5% còn lại là các nguồn khác.

Như vậy, cơ cấu nguồn điện cho thấy áp lực đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam là rất lớn khi nguồn than và khí trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy điện.

Tại phiên giải trình do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức về phát triển điện lực đến năm 2030, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, với điều kiện hiện nay và vài thập kỷ tới, vai trò điện than vẫn cần thiết, chưa thể giảm hoặc thay thế được. 

Nhập khẩu sẽ khó khăn

Thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu than đã lên tới 40,7 triệu tấn, trị giá 2,837 tỷ USD, tăng 38,9% về lượng và tăng 5,8% về trị giá so với cùng kỳ 2019. Các ngành tiêu thụ than lớn đứng đầu là nhiệt điện rồi đến xi măng, luyện kim, phân đạm - hóa chất, còn lại là các ngành khác.

Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu gần 43,8 triệu tấn than, tăng tới 91,5% so với năm 2018. Hiện nay, 3 thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam là Australia, Indonesia và Nga.

Tuy nhiên, kịch bản nhập khẩu than với khối lượng lớn để phục vụ sản xuất điện được nhận định là gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh rất lớn của các nước nhập khẩu than với khối lượng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Chưa kể, tại nhiều thời điểm, cung cầu và giá cả than thế giới đều biến động, giá than nhập khẩu cao nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu không dễ được đáp ứng.

Đặc biệt, hiện, số doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu than cho điện năm 2016 ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc, theo thống kê lên tới 55 doanh nghiệp. Việc nhập khẩu than ở nước ta đang thiên về hướng cho phép các nhà máy nhiệt điện được chủ động hơn trong việc nhập khẩu than thay vì phải thông qua các đơn vị đầu mối.

yt

Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có đơn vị đầu mối có năng lực, kinh nghiệm để nhập khẩu than cho tất các dự án điện than trong tương lai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường than nhập khẩu ở Việt Nam với yêu cầu đấu thầu quốc tế rộng rãi, thực sự mở cửa đối với các doanh nghiệp kinh doanh than trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các bên mua than đã đưa ra trong hồ sơ thầu những điều khoản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, hoặc đã để xảy ra tình trạng "tranh mua" trên thi trường quốc tế, làm cho giá than (FOB) bị đẩy lên cao.

Để khắc phục tình trạng này, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo EVN và PVN thực hiện quản lý thống nhất việc đấu thầu nhập khẩu than cho các nhà máy điện. Theo đó, EVN và PVN trực tiếp tổ chức đấu thầu tập trung (một đầu mối ở Tập đoàn) theo phương thức mua các "lô hàng lớn" và "dài hạn" (thay vì để các đơn vị thành viên đấu thầu mua lẻ và ngắn hạn như vừa qua).

Có như vậy, mới nhập khẩu được than có chất lượng ổn định, với giá (FOB) thấp của các công ty thương mại lớn có kinh nghiệm và chuyên về cung cấp than, khắc phục được những tiêu cực như đã xẩy ra trong thời gian qua.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có đơn vị đầu mối có năng lực, kinh nghiệm để nhập khẩu than cho tất các dự án điện than trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ phát điện vào cuối năm nay

    15:20, 25/08/2020

  • Nhiệt điện Ninh Bình: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

    21:38, 23/08/2020

THY HẰNG