Thị trường EU - động lực cải cách nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về các giải pháp tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA cho nông sản Việt.
Việc đưa nông sản vào EU, với những tiêu chuẩn cao và rất khắt khe cũng có thể xem là một cơ hội hay động lực để cải cách nền nông nghiệp Việt Nam.
Đừng biến cơ hội thành hậu quả
Chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ: Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử số ra ngày 21/8/2020 đưa tin: “Theo chuyên gia, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt, tuy nhiên để gia tăng sản lượng lớn vào EU, Chính phủ cần thực hiện 03 nội dung chính: có chính sách giúp người nông dân cải cách mọi quy trình chăm sóc và chế biến; quản lý sát sao, thậm chí cấm lưu hành sản phẩm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ; có các chương trình đào tạo, khuyến khích người nông dân trồng trọt theo phương pháp công nghệ, kỹ thuật mới”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu trong quá trình quản lý phát triển nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.
Trên thực tế, với EVFTA, hầu hết các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được cắt giảm về thuế 0% theo các lộ trình. Cơ hội mà EVFTA mang lại rất lớn nhưng đây không phải là “chìa khóa vạn năng” giúp nông sản Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU.
Đơn cử như mặt hàng rau quả xuất khẩu vào EU, ngay khi EVFTA có hiệu lực khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. EVFTA khác biệt so với các FTA ký trước đó, Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, EU là thị trường rất khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, đảm bảo tính minh bạch trong suốt các quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản... Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, thiệt hại này không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cả ngành phải gánh chịu. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) là yêu cầu bắt buộc. Để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt tới được với các thị trường đòi hỏi cao, người sản xuất bất kể ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.
Bắt tay ngay vào làm
Theo ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, EU là thị trường quan trọng của nông nghiệp Việt Nam và đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc tìm hiểu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật không khó, vấn đề phải bắt tay vào làm ngay. Thế giới đã làm hàng chục năm nay, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức trong quá trình sản xuất, quy trình chế biến, theo định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao bền vững.
Doanh nghiệp muốn tiếp cận một cách hiệu quả thị trường này phải đạt được các yêu cầu sau: Thứ nhất về tiêu chuẩn chất lượng, nông sản Việt Nam phải sản xuất an toàn theo hướng GAP.
Thứ hai về tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp, nhà nhập khẩu EU không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà họ còn quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, người lao động được đảm bảo quyền lợi ra sao trong môi trường sản xuất.
Thứ ba về phát triển bền vững và an sinh, nhà nhập khẩu sẽ quan tâm doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ra sao? Sử dụng tài nguyên bền vững thế nào? Đơn cử như sản phẩm gỗ, họ sẽ quan tâm đến nguồn gốc của lâm sản, việc đạt chứng nhận FSC là điều chắc chắn khi sản phẩm đồ gỗ muốn vào thị trường này.
Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP):
Dự báo với EVFTA, xuất khẩu thuỷ sản vào EU sẽ tăng trưởng 20%, trong năm tới. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện và dần đáp ứng yêu cầu về chất lượng, kiểm soát kháng sinh, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động... Do đó, doanh nghiệp Việt cần trao đổi nhiều hơn với khách hàng để cập nhật thông tin về mức thuế và các yêu cầu khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua cuối cùng.
Ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng:
Là doanh nghiệp chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông - thủy sản xuất khẩu sang EU, chúng tôi nhật thấy, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Hiện nay, việc tuân thủ quy định về ngưỡng thuốc trừ sâu trong nông sản xuất khẩu sang EU đã là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chậm cập nhật một số hóa chất EU mới cấm sử dụng vẫn có thể tìm thấy trên thị trường Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp nông nghiệp: 'Mở mặt' từ vườn, ao, chuồng, rừng
04:50, 10/09/2020
Khởi nghiệp nông nghiệp: Vườn tiêu hữu cơ bạc tỉ
11:21, 09/09/2020
ĐIỂM BÁO NGÀY 09/09: Thị trường EU - "động lực" cải cách nông nghiệp
06:30, 09/09/2020
Thị trường EU - động lực cải cách nông nghiệp
21:38, 08/09/2020
Giải pháp để doanh nghiệp vượt rào cản vào thị trường EU
10:00, 26/07/2020