Đầu tư công nghệ xử lý rác thải: Địa phương cần phải thay đổi tư duy
“Chủ trương của nhà nước đã có nhưng vẫn có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Địa phương có thể đưa ra rất nhiều lý do nhưng tôi cho rằng đó là do lợi ích nhóm chi phối”.
Mỗi năm Việt Nam phải phải tốn nhiều chi phí để xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp, đốt. Trong khi đó, mô hình đốt rác phát điện có nhiều ưu điểm nhưng chưa được triển khai? Vậy đâu là nguyên nhân?
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Thưa ông, Việt Nam đang lãng phí tài nguyên rác như thế nào?
Việc xử lý rác thải tại các thành phố lớn hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Điều này dẫn tới những vấn đề là tốn diện tích đất, ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí và tổn hại sức khỏe của người dân sống xung quanh. Trong khi đó, rác thải vẫn được xem là tài nguyên nên việc chôn lấp là sự lãng phí rất lớn.
Thực tế, hiện nay các nhà máy xử lý quá ít, còn các bãi chôn lấp đã kín, tạo nên áp lực ngày càng lớn với địa phương. Trong khi đó, tại nông thôn, nhiều nơi hiện nay tự phát làm các lò đốt rác theo biện pháp thủ công. Tuy nhiên, lò đốt cũng chỉ là giải pháp tiến bộ hơn chôn lấp nhưng không thể xem là một chiến lược xử lý môi trường bởi đốt thủ công cũng gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, rác thải nếu được xử lý tập trung, hoặc xử lý bằng công nghệ tiên tiến sẽ biến rác thải thành vàng - một nguồn có lợi cho xã hội.
- Đốt rác phát điện hiện là công nghệ xử lý rác tiên tiến. Vậy tại sao Việt Nam lại có rất ít các dự án này, thưa ông?
Lý do thì có nhiều, nhưng cơ bản là do địa phương. Thực tế, các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý rác thải rất “ngại” địa phương. Qua tìm hiểu tôi thấy các địa phương đang quá thận trọng. Có địa phương cho rằng, công nghệ đó không phù hợp với mình, hoặc cũng có thể là việc lựa chọn nhà đầu tư chưa tin cậy. Tôi thấy, việc thận trọng là cần thiết, nhưng sự thận trọng đó lại kéo dài quá khiến người dân bị ảnh hưởng. Hơn nữa, cơ chế hạch toán ở Việt Nam cũng chưa ủng hộ việc đổi mới công nghệ xử lý rác.
Tất nhiên, chủ trương của nhà nước nhưng mà vẫn có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Địa phương có thể đưa ra rất nhiều lý do để giải thích việc chậm trễ của mình nhưng tôi cho rằng đó là do lợi ích nhóm chi phối.
- Cần giải pháp nào tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?
Theo tôi, chúng ta cần phải thay đổi rất nhiều. Ví dụ, nếu hạch toán như cũ, tức là nhà nước phải chi bao nhiêu tiền cho xử lý rác? Nếu xử lý theo công nghệ mới, Chính phủ cần cho doanh nghiệp được thu lợi trong khoảng 3 năm, 5 năm… như vậy sẽ có cơ chế động viên quá trình phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, để người dân có ý thức hơn, có thể đưa ra một khung khác với khung dự thảo luật bảo vệ môi trường hiện nay “thu phí rác theo trọng lượng”, vì như vậy người dân sẽ vứt rác bừa bãi hơn. Lúc này, chúng ta có thể đưa ra thang bậc về đánh giá mức độ chi dùng của từng nhóm hộ gia đình.
Hơn nữa, chính quyền địa phương cần phải thay đổi tư duy. Nhiều nơi quá chậm trong xử lý thì cũng để người dân phải chịu đựng quá nhiều.
Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt. Đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, như vậy mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm