Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết hoàn thành dự án Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn vào tháng 8/2020 và vận hành vào tháng 10/2020.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có chuyến thị sát công tác xây dựng dự án Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).
Đại diện chủ đầu tư dự án, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, cho biết dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017 do Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.
Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, lớn nhất Việt Nam hiện nay, nguồn rác sẽ được lấy ở 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ.
Đến nay, dự án đã đầu tư khoảng 155 triệu USD. Các hạng mục đã được thi công 5 tháng; công nhân thi công 3 ca liên tục; đảm bảo an toàn lao động. Để đảm bảo tiến độ dự án, nhà thầu cho biết công nhân sẽ thi công thông Tết. Khi đi vào hoạt động, nhà máy cần lượng lớn công nhân, kỹ sư vận hành. Dự kiến tháng 10/2020 sẽ vận hành đốt, phát điện.
Sau khi kiểm tra thực địa, nghe chủ đầu tư báo cáo, ông Chung ghi nhận và đánh giá cao cam kết của chủ đầu tư. Chủ tịch thành phố tin tưởng với kết quả này, chủ đầu tư sẽ thực hiện đúng cam kết tiến độ tháng 8/2020 sẽ hoàn thành và vận hành chính thức vào tháng 10/2020.
Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị chủ đầu tư, liên quan đến xử lý nước rỉ rác và khí thải, chủ đầu tư phải lắp đặt các cảm biến, thường xuyên quan trắc các số liệu liên quan; kết nối với Sở Xây dựng cũng như thông tin bằng các bảng điện tử cho người dân khu vực xung quanh biết.
Ông cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với URENCO, Sở Xây dựng nghiên cứu, thậm chí kiểm tra, lấy mẫu đột xuất xem rác thải có tỷ lệ cát sỏi, chất thải xây dựng không, để phục vụ việc đốt rác của nhà máy cũng như để TP chấn chỉnh công tác thu gom rác.
Hiện nay trung bình mỗi ngày Hà Nội có trung bình 6.000 tấn rác cần xử lý. Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ được kỳ vọng giảm thiểu ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực cũng như mang lại giá trị kinh tế cho nhà đầu tư.