Đề xuất ba phương án triển khai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Bộ GTVT chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kỳ đầu dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Công ty ĐTPT&QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị lập báo cáo đã đề xuất 3 hướng tuyến cho tuyến đường này.
Theo đó, phương án 1: điểm đầu dự án bắt đầu từ điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến đi tránh khu vực quy hoạch thị xã Bình Minh, rẽ phải vào vị trí cầu Cần Thơ 2, đi song song về bên trái cầu đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (quy hoạch) vượt sông Hậu đi trên cao theo hướng các trục đường 3C, 1A theo quy hoạch đến vị trí ga Cái Răng tuyến đi trên mặt đất, giao với tuyến đường nối QL91 – Nam Sông Hậu (quy hoạch) tại Km15+680 ,tuyến tiếp tục đi theo hướng Đông Nam đến vị trí giao với tuyến đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Km22+870 (lý trình tuyến cao tốc trục ngang).
Sau đó tuyến rẽ trái đi trùng với tuyến đường cao tốc trục ngang đoạn dài khoảng 14km đến địa phận thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang tuyến rẽ phải đi trùng Quản lộ - Phụng Hiệp qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối dự án tại nút giao với Vành đai 3 TP.Cà Mau (theo quy hoạch).
Phương án 1 tận dụng 2 làn đường hiện hữu của tuyến Quản lộ Phụng Hiệp nên chỉ xây dựng phần đường 2 làn xe về bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp chiều dài 141km tổ chức giao thông cho hướng xe chạy từ TP.Cà Mau đi TP.Cần Thơ, vận tốc thiết kế 100km/h. Chiều rộng phần đường xây dựng mới 12,75m (bao gồm 2 làn xe 2x3,75m + dải dừng xe khẩn cấp 3,0m + dải an toàn 0,75m + lề đất 2x0,75m).
Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 46.200 tỷ đồng, trong đó diện tích đất giải phóng mặt bằng (GPMB) 750ha với chi phí bồi thường trên 2.000 tỷ đồng.
Phương án 2 chiều dài 138km điểm đầu phía Cần Thơ trùng với phương án 1 Đường cao tốc xây dựng song hành về bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (cách 150m~1,5km), khai thác giai đoạn 1 với vận tốc 80km/h. Đường gom được bố trí bên trái tuyến cao tốc. Giai đoạn đầu được đầu tư 2 làn xe mặt cắt ngang 17 m, giai đoạn 2 sẽ nâng lên 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75m. Kinh phí bồi thường tăng gần 400 tỷ đồng so phương án 1, diện tích GPMB lên đến 900 ha. Tổng mức đầu tư lên đến 61.000 tỷ đồng.
Phương án 3 Đoạn từ điểm đầu đến nút giao với tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Km22+870 (lý trình cao tốc trục ngang tại Km128+786) tương tự phương án 1. Sau đó tuyến đi song song về bên trái QL 61C hiện hữu (cách khoảng 10km) đến nút giao với QL61B vào thành phố Vị Thanh, tuyến đi thẳng qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3 TP.Cà Mau (theo quy hoạch). Chiều dài tuyến: 124km, diện tích GPMB: 800ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 57.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, đại diện chính quyền địa phương thụ hưởng dự án là TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đều chọn phương án 3 vì cho rằng đây là phương án có chi phí GPMB thấp nhất, chiều dài tuyến ngắn nhất nên thời gian di chuyển sẽ nhanh nhất. Trong khi đó 3 địa phương còn lại là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều chọn phương án tuyến số 2.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, mỗi phương án tuyến đều có những ưu điểm lẫn hạn chế.
“Đây chỉ mới thông qua báo cáo kỳ đầu, tiếp theo sẽ còn hai kỳ lấy ý kiến thông qua báo cáo dự án này. Bộ GTVT rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu hơn và đi đến thống nhất phương án tuyến, phương án đầu tư để Bộ có cơ sở trình Thủ tướng xem xét phê duyệt”, ông Nhật đề nghị.
Tại cuộc họp này đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng đề xuất tham gia đầu tư theo hình thức PPP đoạn cao tốc Bạc Liêu-Cà Mau (46 km) với kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, phần còn lại là vốn của nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 18/8 Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long hồi đầu tháng. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trước năm 2030.
Trong đó, đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 về hình thức đầu tư PPP (hợp tác công - tư), báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2020.
Có thể bạn quan tâm
Đưa dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025
15:29, 06/08/2020
Sắp có tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng 30.000 tỷ đồng
11:00, 05/09/2019
Đề xuất xây cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gần 30.000 tỷ đồng
15:48, 17/12/2018
Lựa chọn xong nhà đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam trong tháng 12/2020
22:49, 15/09/2020