Các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu từ sau 2023?
Bộ Công Thương sẽ sớm đề xuất Thủ tướng cho phép kéo dài chính sách ưu đãi giá FIT cho các dự án điện gió tới hết năm 2023.
Theo thông báo kết luận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo được yêu cầu khẩn trương rà soát tình hình phát triển điện gió, báo cáo Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn áp dụng giá FIT ưu đãi tới hết năm 2023. Sau thời điểm này mới áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Theo đó, giá mua điện gió trên bờ theo Quyết định 39/2018 là 8,5 cent một kWh, còn ngoài khơi là 9,8 cent một kWh với các dự án vận hành trước ngày 1/11/2021. Cơ chế giá FIT theo quyết định này đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp.
Đã có hàng trăm dự án điện gió được đề xuất bổ sung quy hoạch và đang được thi công xây dựng. Đến cuối tháng 6, thêm 7.000 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, trong khi số dự án vận hành đến nay là 11 dự án, công suất 429 MW.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại chưa đưa ra các mức giá cụ thể trong giai đoạn gia hạn sau tháng 10/2021.
Theo các chủ đầu tư dự án điện gió, khác với điện mặt trời thời gian thi công nhanh chỉ vài tháng, điện gió thường mất 2-3 năm, riêng công tác đo gió đã mất khoảng 1 năm. Trong khi đó, thời gian để các dự án được hưởng ưu đãi giá FIT chỉ còn khoảng một năm.
Đánh giá của Bộ Công Thương trước đó cho biết thời gian từ nay đến hết tháng 10/2021 (thời điểm giá FIT theo Quyết định 39 hết hiệu lực) còn lại rất ngắn, không đủ để nhà đầu tư triển khai các hoạt động chuẩn bị, thực hiện xây dựng dự án điện gió, đặc biệt là các dự án trên biển và các dự án chưa được phê duyệt bổ sung quy hoạch.
Đến cuối tháng 6, thêm 7.000 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, trong khi số dự án vận hành đến nay là 11 dự án, công suất 429 MW.
Những khó khăn của các doanh nghiệp điện gió đã được Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin từ trước đó. Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đầu tư điện gió tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất, thời hạn cuối giá FiT chỉ được kéo dài đến ngày 30/10/2021, sau đó doanh nghiệp sẽ không được hưởng giá điện ưu đãi 8,5 cent nữa. Từ nay đến lúc ấy, chỉ còn hơn 1 năm, trong khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước vẫn đang đóng cửa biên giới khiến doanh nghiệp điêu đứng. Cũng bởi, toàn bộ những thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió tại Việt Nam các đơn vị đều phải nhập khẩu, còn chuyên gia nước ngoài thì không thể đến đánh giá được.
Khó khăn thứ hai, đặc thù thiết bị về điện gió thì phải “may đo”, sản xuất theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp mất ít nhất 1 năm để sản xuất thiết bị rồi mới chuyển về Việt Nam. Trong khi tình hình dịch bệnh hiện này thì chưa biết bao giờ các nước mở cửa giao thương, còn thời gian ưu đãi thì đang dần hết hạn. Do đó, những dự án điện gió mới, dự án chưa được phê duyệt từ trước thì rất khó để đáp ứng được?
Trong khi đó, ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió nhưng hiện nay chưa khai thác được hết tiềm năng.
Do đó, các nhà đầu tư điện gió đều mong muốn Chính phủ gia hạn giá FIT để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải có chính sách ổn định, dài hạn đối với điện gió, tránh tình trạng một vài năm lại thay đổi chính sách khiến doanh nghiệp xoay như “chong chóng”.
Doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần có những quyết sách dài hạn hơn cho năng lượng tái tạo Việt Nam như điện gió và điện mặt trời. Đây cũng là điều mà những nhà đầu tư năng lượng sạch trăn trở. Bởi vậy, nếu chỉ cho các nhà đầu tư 6 tháng đến 2 năm để phát triển dự án thì không kịp, nhất là khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Trước những kiến nghị trên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5363/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
“Về thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình tham mưu, quản lý phát triển điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác”, văn bản nêu rõ.
Có thể bạn quan tâm
Điện gió, điện mặt trời vận hành kỷ lục: Lại lo lưới điện truyền tải “hụt hơi”!
11:08, 09/09/2020
Cấp tín dụng cho dự án điện gió và điện mặt trời: Bước chân người tiên phong
14:08, 26/08/2020
Điện gió tấp nập dự án nghìn tỉ: Có tránh được "vết xe đổ"?
05:30, 20/08/2020
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp điện gió thời COVID-19?
04:30, 10/08/2020
Điện gió sẽ tăng trưởng mạnh ở các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương
04:21, 06/08/2020
Kiến nghị miễn tiền thuê mặt biển với các dự án điện gió
15:06, 05/08/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh về điện gió của Diễn đàn Doanh nghiệp
07:50, 04/07/2020
Do đâu hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời phát sai công suất?
05:30, 17/07/2020