Các xúc tác thay đổi giúp Việt Nam tăng tốc hậu Covid-19
Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, TS Jacques Morisset cho rằng Việt Nam đã phát triển rất nhanh nhưng vẫn còn cơ hội để nhanh hơn nữa trong tương lai.
Vị kinh tế trưởng này đánh giá, cho đến nay, hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động đang tăng nhanh. Cho biết các ngành xuất khẩu tạo ra trên 20 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay, TS. Jacques Morisset cho rằng Việt Nam đã “rất thành công”.
Điểm mạnh của Việt Nam được Kinh tế trưởng WB chỉ ra là Việt Namlà một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất về thương mại hàng hóa. Độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và 5 lần Trung Quốc.
Trước Covid-19, Việt Nam cũng là một trong những điểm đến FDI có sức hút lớn trong ASEAN. Dòng vốn FDI vào Việt Nam nhiều hơn Malaysia và Thái Lan 2% GDP. Các chuỗi giá trị toàn cầu chiếm tới 66% giao dịch thương mại.
Các sản phẩm chế biến – chế tạo là nền tảng xuất khẩu vững chắc (chiếm 2/3 giá trị xuất khẩu và 90% các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, ông cho rằng có những điểm mà Việt Nam cần cải thiện để có thể làm tốt hơn nữa. Đó là hàm lượng nội địa hóa còn thấp, thậm chí có xu hướng giảm dần theo thời gian (thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc). Việt Nam cũng tập trung quá vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp. Rào cản gia nhập của khu vực dịch vụ còn cao, dẫn đến việc luồng vốn FDI vào lĩnh vực này còn thấp, trừ du lịch.
Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ về việc các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến chế tạo. Ông dẫn chứng về câu chuyện một nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%. Đối với quốc tế, từ đầu những năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa.
Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng hơn đến tác động của chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thúc đẩy nội địa hóa bằng cách liên kết ngược: sử dụng nhiều nhà cung ứng nội địa hóa và liên kết xuôi: sử dụng nhiều nhà phân phối nội địa hơn. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiến xa hơn trên chuỗi chuyển đổi để tạo ra các sản phẩm phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường và doanh nghiệp mới để thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ. Song song với đó là bảo vệ vốn tài nguyên bằng công nghệ sạch và thích ứng/giảm thiểu các tác động của việc biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 5 ưu tiên: lao động có kỹ năng; công nghệ mới; hạ tầng kết nối; mở cửa dịch vụ và các hoạt động phát triển sạch và nâng cao sức chống chịu. Điều này sẽ mất nhiều thời gian chứ không phải có thể làm trong một sớm một chiều mà đạt được. Có khi phải mất một thế hệ để xây dựng sân bay, con đường, hạ tầng mới để lao động có kỹ năng hơn. Việt Nam đang rất tích cực đầu tư và nâng cao hoạt động thương mại. Trong năm ưu tiên này, ông Morisset nhấn mạnh mở cửa dịch vụ là vô cùng quan trọng.
Cuộc đua phát triển kinh tế đang đòi hỏi các ý tưởng mới. Thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay không chỉ là số lượng mà chất lượng của hoạt động thương mại quốc tế, như P. Krugman 40 năm trước đã chỉ ra - cần dịch chuyển theo hướng có các sản phẩm phức tạp hơn, bao gồm cả dịch vụ và mức độ nội địa hoá.
"Covid-19 đã nâng cao nhận thức về mức độ cấp thiết, Chính phủ Việt Nam cần hành động dứt khoát với việc triển khai các giải pháp trong ngắn hạn - mà tôi gọi là các xúc tác cho thay đổi", ông nói.
Có thể bạn quan tâm