Thấy gì từ các số liệu kinh tế vĩ mô trong tháng 9?
Tăng trưởng GDP bất ngờ đạt 2,62% trong quý 3, mặc dù thấp nhất trong nhiều năm, đây vẫn là kết quả tích cực và cao hơn ước tính trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, tăng trưởng cả 3 lĩnh vực thành phần đều phục hồi và có mức tăng khá tương đồng, trong đó Nông lâm ngư nghiệp tăng 2,93%, Công nghiệp và Xây dựng tăng 2,95% và Dịch vụ tăng trở lại 2,75% sau khi tăng trưởng âm trong quý 2. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019, động lực tăng trưởng chính đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo (+4,6%) và Xây dựng (+5,02%)
Mặc dù làn sóng Covid thứ 2 bùng phát trong tháng 7, tổng mức bán lẻ vẫn đạt tăng trưởng khá tích cực là 4,5% trong quý 3, cao hơn mức tăng 3,2% trong quý 1, chủ yếu nhờ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa trong khi du lịch lữ hành vẫn phục hồi chậm.
CPI tăng 0,12% so với tháng trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lũy kế tiếp tục giảm về mức 3,85% so với năm trước. Giáo dục và Nhà ở vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất trong tháng, tương ứng +2,08% và +0,62% so với tháng trước trong khi Thực phẩm giảm trở lại -0,59%. Tuy nhiên, tính cả năm thì Thực phẩm và Ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng mạnh nhất trong khi Giao thông là nhóm hàng kéo giảm CPI nhiều nhất (-10,66%).
Xuất siêu tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với mức thặng dư 3,5 tỷ USD trong tháng 9. 11,5 tỷ USD trong quý 3 và 17 tỷ USD lũy kế 9 tháng, giúp bù đắp cho mức nhập siêu dịch vụ 8,16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Trong tháng 9, vốn FDI giải ngân chỉ tăng 2%, trong khi FDI đăng ký giảm mạnh -68% sau khi giảm. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp FDI đăng ký giảm mạnh nên cần theo dõi thêm.
Đầu tư công vẫn là đóng vai trò đầu tàu kinh tế với mức tăng trưởng cao nhất, đạt 33,3% trong 9 tháng đầu năm. Ước tính giải ngân vốn đầu tư công đã đạt 59,7% sau 9 tháng.
Lãi suất tiền gửi duy trì xu hướng giảm trong tháng 9, đặc biệt ở các kỳ hạn dài, với mức giảm từ 0,2% - 0,8% ở các kỳ hạn. Như vậy tính từ đầu năm, tổng mức giảm đã lên tới 1,2% - 2,4%, đưa lãi suất về mức rất thấp.
Cùng với đó, NHNN đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm từ ngày 1/10. Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dư thừa với lãi suất liên ngân hàng rất thấp đồng thời NHNN cũng không phải can thiệp hỗ trợ trên thị trường OMO tháng thứ 4 liên tiếp. Tín dụng tăng chậm, tới hết tháng 9 ước tăng 5,21%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 9,4% cùng kỳ năm 2019.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng -Người phát ngôn Chính phủ dẫn bình luận của Thủ tướng cho rằng, kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần phục hồi. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi ở Đông Nam Á tăng trưởng dương.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá về điểm sáng kinh tế 9 tháng qua là xuất siêu 17 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trong đó, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỷ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động.
Thu hút đầu tư nước ngoài, dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, Việt Nam được đánh giá là vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính.
Bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Đường dài cho kinh tế Việt Nam
05:00, 04/10/2020
Hợp tác tài chính khu vực là yếu tố then chốt hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bền vững
18:00, 02/10/2020
"Kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V"
16:49, 02/10/2020
Ban Kinh tế Trung ương: Góp phần xây dựng thể chế phát triển kinh tế - xã hội
16:00, 02/10/2020
Động lực lớn nhất giúp nền kinh tế sớm phục hồi
04:30, 02/10/2020