Cơ hội từ xã hội hoá truyền tải điện
Xã hội hóa đường truyền tải điện được đánh giá là mở ra trang mới cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện, ngân sách nhà nước sẽ đỡ rất nhiều.
Mặc dù Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được đánh giá là tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch. Tuy nhiên, quá trình phát triển năng lượng tái tạo các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Tái tạo BIM (Tập đoàn BIM Group) cho biết, là doanh nghiệp đầu tư dự án điện Mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc hạn chế công suất lưới truyền tải.
“Các dự án đấu nối lưới 110kV tại Ninh Thuận đã có một năm 2019 khó khăn. Trước thực tế đó, Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tích cực chỉ đạo, cùng với nỗ lực đầu tư của EVN trong vòng một năm qua để đầu tư, xây dựng lưới truyền tải. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời”, ông Nguyễn Hải Vinh chia sẻ.
Dự kiến, hơn 2.000MW điện mặt trời sẽ được xây dựng đến cuối năm 2020. Trong đó, BIM Group dự kiến sẽ có thêm 50MW được đưa vào vận hành nâng tổng công suất lên trên 400MWp điện Mặt trời đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Do đó, doanh nghiệp mong muốn những tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về lưới truyền tải tiếp tục đi đúng hướng như hiện nay.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam cũng cho rằng: “Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng đường truyền tải điện cũng là việc cần phải làm ngay, là xu thế tất yếu của phát triển năng lượng tái tạo và an ninh năng lượng trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Theo đó, các nước trong khu vực và thế giới họ đã áp dụng mô hình này cách đây vài chục năm. Họ vẫn bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và luôn trong tâm thế không bị thiếu hụt điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam chúng ta vẫn loay hoay trong việc nên không cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Bởi nhiều lý do khác nhau nhằm bảo đảm sự uy quyền và sự chi phối của ngành điện.
Những cơ hội và khó khăn trong việc thực hiện xã hội hóa truyền tải điện sẽ là một trong những nội dung đưa ra tại Diễn đàn với chủ đề: “NGHỊ QUYẾT 55-NQ/TW VÀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VIỆT NAM” và "CHƯƠNG TRÌNH BÌNH CHỌN DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TIÊU BIỂU VIỆT NAM NĂM 2020" sẽ diễn ra vào chiều ngày 28/10.
Diễn đàn được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng g Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng với sự tham gia và tư vấn của Hội đồng bình chọn đến từ các Bộ, ban, ngành; Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và Môi trường Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam; Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Có thể bạn quan tâm
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
11:00, 26/10/2020
28/10: Diễn đàn Năng lượng tái tạo và chương trình Bình chọn Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2020
17:23, 19/10/2020
Giải pháp ổn định hệ thống truyền tải điện năng lượng tái tạo
16:26, 07/10/2020
"Điểm nghẽn" trong phát triển dự án năng lượng tái tạo
02:00, 07/10/2020
“Cú hích” để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo
04:01, 19/09/2020