Thấy gì từ chiến lược dược phẩm Châu Âu?

NGUYỄN CHUẨN 06/12/2020 11:00

Ủy ban Châu Âu (EC) vừa thông qua “Chiến lược Dược phẩm” nhằm hỗ trợ đổi mới, tiến tới tự chủ hoàn toàn, góp phần phát triển bền vững ngành dược khu vực Châu Âu.

 Hiện nay có tới 80% hoạt chất dùng cho các loại thuốc ở EU phải nhập khẩu.

Hiện nay có tới 80% hoạt chất dùng cho các loại thuốc ở EU phải nhập khẩu.

Chiến lược này là một thành phần quan trọng trong nỗ lực củng cố Liên minh Y tế mới của Châu Âu nhằm tạo ra một hệ thống dược phẩm có thể chống chọi với khủng hoảng trong tương lai.

Bài học “xương máu”

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu chết người trong hệ thống y tế Châu Âu khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gây thiếu dược liệu, gần như làm tê liệt hoạt động sản xuất dược phẩm Châu Âu.

Một trong những bài học mà Liên minh Châu Âu (EU) cần rút ra từ đại dịch COVID-19 là cần củng cố các công cụ quản trị và phát triển hơn nữa các cơ chế đã được áp dụng trong bối cảnh COVID-19. Đặc biệt, EU cần tìm cách tự chủ về nguồn nguyên liệu dược để đáp ứng nhu cầu dược phẩm của khu vực.

Chính vì vậy, EC đã thông qua Chiến lược Dược phẩm Châu Âu nhằm bốn mục tiêu chính: Thứ nhất, đảm bảo tiếp cận các loại thuốc với giá cả phải chăng và giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng. Thứ hai, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và tăng tính bền vững của ngành dược phẩm của EU. Thứ ba, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng và giải quyết vấn đề an ninh nguồn cung dược phẩm. Và cuối cùng, đảm bảo tiếng nói mạnh mẽ của EU trên thế giới trong lĩnh vực dược.

Thách thức chuyển hướng chiến lược

Còn nhớ những năm 1980, ngành dược phẩm Châu Âu vẫn còn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính được sản xuất tại khu vực này, và chỉ có 20% được nhập khẩu từ nước ngoài.

Thế nhưng giờ đây, có tới 80% hoạt chất dùng cho các loại thuốc ở EU phải nhập khẩu. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc nắm giữ đến 60% các cơ sở sản xuất thuốc trên thế giới. Thậm chí, Trung Quốc đang nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính.

Chuyển sản xuất dược phẩm về Châu Âu, ngoài chuyện chi phí nhân công cao, còn phải chi phí tốn kém để thỏa mãn các tiêu chí môi trường, vì sản xuất dược phẩm cũng gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chuyển một dây chuyền sản xuất dược phẩm từ Châu Á chuyển về Châu Âu sẽ mất ít nhất 2 năm nếu đã có sẵn nhà máy, còn nếu xây dựng mới nhà máy dược phẩm thì phải mất 5 năm.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dược phẩm có tầm quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế của Châu Âu. Chỉ tính riêng trong năm 2019, khu vực này đã đầu tư hơn 37 tỷ EUR vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo ra 800.000 việc làm trực tiếp và gần 110 tỷ EUR thặng dư thương mại. Đồng thời, EU đang là thị trường dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới. Do vậy, việc quyết liệt thực hiện Chiến lược Dược phẩm để tiến tới tự chủ hoàn toàn lĩnh vực này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EU, dù thách thức vẫn còn rất lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự báo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế thế giới 2020

    Dự báo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế thế giới 2020

    11:32, 19/11/2020

  • Xu hướng kinh tế thế giới mới dưới tác động COVID-19 và cơ hội của Việt Nam

    Xu hướng kinh tế thế giới mới dưới tác động COVID-19 và cơ hội của Việt Nam

    05:05, 09/11/2020

  • Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến kinh tế thế giới mất 10 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025

    Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến kinh tế thế giới mất 10 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025

    11:30, 21/09/2020

  • Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới

    Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới

    11:23, 17/08/2020

NGUYỄN CHUẨN