Xuất khẩu đình trệ vì thiếu container rỗng
Theo VASEP, trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi lên Thủ tướng Chính phủ dự báo, tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container có thể kéo dài đến tháng 2-3/2021.
Thậm chí việc dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, vẫn tiếp tục lây lan trên thế giới nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài hơn.
Do đó, VASEP khuyến cáo các hội viên, trước tình hình căng thẳng trên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cần lên kế hoạch và kịch bản ứng phó nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu tối đa sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp và tổng kim ngạch của toàn ngành trong thời gian tới.
Hiện nay, VASEP đang tiến hành khảo sát từ các doanh nghiệp về vấn đề này để có những đánh giá và báo cáo lên Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan nhằm tháo gỡ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thủy sản.
Trước đó, sau nhiều quý xuất khẩu thủy sản không ổn định hoặc giảm do đại dịch COVID-19, VASEP đã đưa ra dự báo lạc quan và hi vọng vào tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV/2020 có thể đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của năm nay lên 8,6 tỷ USD.
"Nhưng việc thiếu container rỗng để đóng hàng, không có tàu chuyên chở… rất có thể ảnh hưởng tới nỗ lực tăng trưởng của ngành, nhiều khả năng kim ngạch không đạt được như đã đề ra do tháng 11 và 12/2020 giá trị xuất khẩu sụt giảm vì nhiều đơn hàng bị lui, hoãn", VASEP nhận định.
Tương tự như các doanh nghiệp thủy sản, theo Bộ Công Thương, tại thời điểm cuối năm, các ngành nông thủy sản đang vào mùa cao điểm giao dịch và giao hàng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau nên lượng hàng xuất khẩu rất lớn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ánh hàng đã sẵn sàng giao nhưng phải chờ đợi hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi, thời gian giao hàng bị chậm lại bình quân từ 7 đến 20 ngày.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ngoài khoản cước phí đang phải trả cao gấp đôi so với những tháng bình thường, còn phải trả các khoản phí trong mùa cao điểm cho hãng tàu (có hãng tàu thu 1.000 USD/container).
Các doanh nghiệp xuất khẩu điều và chè phản ánh không xuất khẩu được sang các thị trường chủ lực khi cước phí tăng gấp 6-7 lần (từ 750-800 USD/container lên đến hơn 4.000 – 5.000 USD/container). Nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm 2021.
Cứ vào dịp cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch. Dù vậy, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tính đến tháng 10/2020, có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về dịch vụ thuê container rỗng để đóng hàng.
Trong khi đó, 43% doanh nghiệp cho biết bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, liên tục thời gian gần đây, Cục đã nhận được phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp về tình trạng thiếu vỏ cũng như việc các hãng tàu tăng giá cước chưa từng có.
Có những chuyến đi Bắc Âu, giá cước vượt đến 10.000 USD/container là điều không chấp nhận được. Nhất là mới chỉ cách đây 4-6 tháng, giá cước vẫn ở mức rất thấp. Thậm chí có hãng còn phát giá bằng 0.
Theo ông Hải, nguyên nhân gây sốt giá cũng do dịch COVID-19. Trong đó, các nước tập trung mua hàng từ các nước Đông Á gây nên tình trạng các luồng hàng đi từ Đông Á thì nhiều nhưng nguồn về ít hơn. Việc container rỗng tồn đọng ở các nước đi kèm tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội mà không đưa được vỏ container.
"Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với Cục Hàng hải báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT và báo cáo Chính phủ vì đây là vấn đề tác động mạnh đến xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp vận tải biển hoạt động kinh doanh, thu lợi tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó có việc chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển", ông Hải nói.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công văn hỏa tốc gửi các hãng tàu vận tải biển container để sớm giải quyết dứt điểm việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nông sản trong nước lâm vào tình cảnh thiếu, phải trả cước container gấp 3-4 lần so với bình thường.
Theo đó, Cục yêu cầu các hãng tàu công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời có biện pháp, kiểm tra giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại của thị trường để trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.
Có thể bạn quan tâm