Hai kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2021
Bước sang năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu với 2 kịch bản, cao là 39 tỷ USD và kịch bản trung bình là 38 tỷ USD.
Đánh giá về ngành dệt may trong năm 2020, ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết “Năm 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu toàn thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD về 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí 30% nếu bị cách ly dài thì dệt may Việt Nam có mức giảm thấp ".
Kết thúc năm 2020, Việt Nam là một trong năm quốc gia duy nhất trong TOP 5 nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới không bị cách ly, dừng sản xuất. Đây có thể xem là nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho xuất khẩu dệt may Việt Nam có mức suy giảm thấp nhất xét về mặt hàng quần áo trong TOP 5.
Báo cáo của Mc Kenzy hôm 4/12/2020 xác nhận, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu trong năm 2020 đã giảm 93%, hơn 10 thương hiệu và chuỗi cung ứng thời trang lớn phá sản, khoảng 200.000 lao động trong chuỗi cung ứng thời trang Mỹ mất việc làm. Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó có nhiều tháng đứng vị trí số 1 về thị phần.
Theo dự báo, để thị trường dệt may thế giới phục hồi về cầu như năm 2019 sớm nhất quý 2/2022 và muộn là quý 4/2023, chính vì vậy, 2021 tiếp tục là năm khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, do đó, nhiều đặc điểm của chuỗi cung ứng mới được thiết lập, buộc doanh nghiệp dệt may phải thích ứng.
Theo ông Trường, năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng yêu cầu mới hậu dịch COVID cũng như đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, ngành dệt may đặt mục tiêu cao là 39 tỷ USD, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm. Với mục tiêu cao 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD, ngành dệt may vẫn cần sự hỗ trợ nhiều từ Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, lãi suất...
Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là chi phí logistic thông qua quy hoạch mạng lưới logostics quốc gia, cùng các chi phí phi thuế quan khác.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thông việc sớm ban hành hướng dẫn về quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ và có cổng thông tin tra cứu lợi ích từ các hiệp định này. Ngoài ra, ngành dệt may cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành dệt may, da giày nỗ lực phấn đấu tăng trưởng nhanh
19:42, 23/12/2020
Dệt may "rộng cửa" vào EU nhờ cộng gộp xuất xứ vải với Hàn Quốc
04:10, 21/12/2020
Dự báo xuất khẩu dệt may sẽ "về đích" 34 tỷ USD
04:15, 30/11/2020
Thanh Hóa: Doanh nghiệp dệt may chịu sức ép “kép” từ thị trường
01:58, 04/11/2020
EVFTA VỚI CÁC NGÀNH (Kỳ 2): Ngành dệt may phụ thuộc vào năng lực cung ứng vải nội địa trong 2 năm tới
04:30, 30/10/2020