Bộ Công Thương quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế

NGUYỄN VIỆT 07/01/2021 17:00

Thủ tướng rất vui khi biết trong năm 2020, ngành Công thương đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Công thương diễn ra mới đây.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều điểm sáng trong năm 2020

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD), EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)...

Vẫn theo Thủ tướng, ngành Công thương đã tận dụng có hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dựa trên Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực.

fs

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng tốt, năm 2020, xuất khẩu sang Canada tăng 11,9%, sang Mexico tăng 12,2%...

Đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo điều hành.

Như Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị Quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi NQ 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...

Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và tổ chức thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.

Công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm 880 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Việc thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính của Bộ và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thực hiện tốt.

Đến nay, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.

Cổng dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp 206 dịch vụ công mức độ 3 và 62 dịch vụ công ở mức độ 4. Đã có gần 35.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cần lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới

Năm 2021 là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.

Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Công thương.

Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Công thương.

Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường: đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh dự kiến vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống dần thu hẹp đòi hỏi phát huy, lan tỏa rộng rãi tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động thực chất từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với ngành Công Thương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương cần tập trung 3 điểm chính để tập trung thực hiện nhằm đạt được kết quả tốt hơn nữa trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Một là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tận dụng để xử lý hàng loạt vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Những khó khăn, thách thức, hay nói cách khác là những điểm yếu căn bản kéo dài trong phát triển của ngành như năng suất lao động thấp, qui mô doanh nghiệp nhỏ, tiêu hao năng lượng và sử dụng tài nguyên nhiều, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm không cao, tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực diễn ra chậm... nếu tận dụng tốt các cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là chìa khóa, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế nước ta thời gian tới.

Hai là, xu hướng hợp tác và hội nhập của thế giới đã có những thay đổi khá căn bản và diễn ra ngày càng nhanh chóng. Chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại một cách khá rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã và đang thay đổi nhanh chóng cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, phân bố lại các trung tâm sản xuất toàn cầu, dịch chuyển của các dòng đầu tư và thương mại quốc tế...

Điều này đặt ra cho ngành Công Thương những yêu cầu về phản ứng chính sách không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả việc xem xét để điều chỉnh mang tính chiến lược trong dài hạn. Đây là những bài toán lớn, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ mới đạt được mục tiêu phát triển của ngành.

Ba là, tình hình trong nước cũng đang đặt ra cho ngành Công Thương những yêu cầu lớn và cấp bách, đòi hỏi phải được giải quyết một cách căn bản mới có thể bảo đảm cho những bước phát triển bền vững tiếp theo.

Đó là cùng với quá trình mở cửa tự do hóa nền kinh tế, nước ta đã trở thành một trong 10 quốc gia có độ mở cửa lớn nhất thế giới (tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP năm 2019 đạt 197,4%) đã dẫn đến mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào bên ngoài không chỉ về thị trường xuất nhập khẩu, đặt biệt là một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà còn là sự phụ thuộc vào công nghệ, nguyên liệu đầu vào cho phát triển các ngành sản xuất (tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu chiếm xấp xỉ 90% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Các ngành công nghiệp lớn, có đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu mới tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng thấp. Việc ứng phó với sự gia tăng các các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, các sự cố môi trường trong sản xuất công nghiệp là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành Công Thương và tính tự chủ của nền kinh tế nước ta.

Vấn đề phát huy nội lực của nền kinh tế với thị trường trên 90 triệu dân, thu nhập và tiêu dùng trong giai đoạn tăng nhanh... Khai thác tốt thị trường trong nước sẽ tạo được nền phát triển bền vững cho ngành Công Thương và nền kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chậm. Hạ tầng thương mại xét về tổng thể vẫn còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến lưu thông hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Cạnh tranh trong ngành bán buôn, bán lẻ ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối trong khi năng lực cạnh tranh còn thấp.

Công tác quản lý thị trường, đặc biệt quản lý hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng đa cấp... chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các biện pháp quản lý thị trường thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện hiệu quả, gây bất lợi cho các chủ thể khác tham gia thị trường và bất lợi cho người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương nói gì về việc Hoa Kỳ sẽ áp thuế với hàng hóa của Việt Nam?

    Bộ Công Thương nói gì về việc Hoa Kỳ sẽ áp thuế với hàng hóa của Việt Nam?

    17:18, 22/12/2020

  • Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cần lập bản đồ khu vực sụt lún và siết quản lý thuỷ điện

    Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cần lập bản đồ khu vực sụt lún và siết quản lý thuỷ điện

    15:43, 04/11/2020

  • Bộ Công Thương phát động cuộc thi “sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện”

    Bộ Công Thương phát động cuộc thi “sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện”

    10:32, 28/10/2020

  • Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Vẫn cần phát triển ngành công nghiệp ô tô

    Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Vẫn cần phát triển ngành công nghiệp ô tô

    08:28, 16/09/2020

NGUYỄN VIỆT