Trung Quốc "vén màn" giấc mộng toàn cầu
Năm 2021 là một năm quan trọng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại khi đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản
Trung Quốc và việc hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện (không còn người nghèo).
Đặc biệt, Hội nghị kinh tế trung ương 2020 (CEWC 2020) cũng xác định năm 2021 là năm bàn lề trong việc xây dựng giấc mộng toàn cầu với 8 định hướng quan trọng.
Đánh đổi tăng trưởng
Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1939. Trung Quốc là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng gần 2% trong bối cảnh các nền kinh tế chủ chốt đều suy thoái mạnh. Nhưng điểm sáng đó cũng đánh đổi bằng sự cân bằng của nền kinh tế Trung Quốc.
Trọng tâm trong các chính sách kinh tế của Trung Quốc từ năm 2012 là hướng đến khuyến khích tiêu dùng và siết chặt quản lý đầu tư, để giảm tỷ lệ nợ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Nhưng trước cú sốc COVID-19, Trung Quốc đã phải tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là “cơ sở hạ tầng kiểu mới” với quy mô dự kiến đến năm 2025 đạt 1.400 tỷ USD.
Mặc dù vậy, đầu tư tài sản cố định 11 tháng năm 2020 chỉ tăng trưởng 2,6% và sản xuất công nghiệp chỉ tăng trưởng 2,3% (đều bằng một nửa của năm 2019) cho thấy sự phục hồi vẫn còn tương đối yếu ớt. Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân vẫn vẫn trì trệ. Các kỷ lục bán hàng của Alibaba không che mờ được thực tế là tổng mức bán lẻ toàn xã hội của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2020 giảm 5,9% so với trước đại dịch.
Các rủi ro bất ổn tài chính của Trung Quốc gia tăng. Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc dự kiến tăng thêm 10 điểm phần trăm lên mức 127% GDP trong năm 2020 sau khi suy giảm mức tương ứng trong những năm trước đây.
Những định hướng đáng chú ý
CEWC 2020 và Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cả Trung Quốc được coi là những chỉ dấu quan trọng nhất về phương hướng phát triển ngắn và trung hạn của Trung Quốc. Theo đó, CEWC 2020 đã đề ra 8 chính sách quan trọng cho năm 2021.
Thứ nhất là tăng cường các công nghệ chiến lược quốc gia. Theo đó, các chính sách công nghiệp sẽ được chú trọng để thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong nước. Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa nhà nước, học viện, cơ quan nghiên cứu công nghệ và ngành công nghiệp để tăng cường đổi mới sáng tạo trong nước.
Thứ hai là tăng cường an ninh chuỗi cung ứng công nghiệp. CEWC nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng mất an toàn chuỗi cung ứng bằng cách đặt nền tảng cho sản xuất công nghệ và vật liệu công nghiệp chủ chốt trong nước.
Thứ ba là mở rộng nhu cầu trong nước. Trung Quốc sẽ ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong nước với trọng tâm cụ thể là kích thích nhu cầu ở các vùng nông thôn nơi công dân nghèo nhất Trung Quốc sinh sống.
Thứ tư là nâng cao cải cách và mở cửa. Theo đó, Trung Quốc sẽ tìm cách xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa khu vực tư nhân thông qua “môi trường thương mại quốc tế hóa dựa trên pháp quyền”. Đồng thời, cải cách sở hữu hỗn hợp, chuyển đổi số và chứng khoán hóa tài sản.
Thứ năm là đảm bảo an ninh lương thực và đất đai. Đối mặt với tình trạng thiếu đất canh tác và lương thực trong tương lai, Bắc Kinh có kế hoạch tăng cường đầu tư vào các công nghệ kinh doanh nông nghiệp như cây trồng biến đổi gen và duy trì nghiêm ngặt hạn ngạch ít nhất 27 tỷ ha đất canh tác tại mọi thời điểm.
Thứ sáu là tăng cường các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn “sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự”. CEWC kêu gọi chống lại hành vi độc quyền để hỗ trợ tăng trưởng chất lượng cao. Đồng thời CEWC kêu gọi các chính sách cải thiện các quy định và tiêu chuẩn pháp lý liên quan đến kỹ thuật số để xác định độc quyền nền tảng, cũng như cải tiến các quy định về thu thập, sử dụng và quản lý dữ liệu người tiêu dùng.
Thứ bảy là giải quyết các vấn đề về nhà ở dân dụng tại các thành phố lớn. Theo đó, các chính sách sẽ được ban hành để thực hiện cho thuê nhà ở phúc lợi và chuyển đổi đất của các tập thể nông thôn sang nhà ở cho thuê.
Thứ tám là đẩy mạnh việc giảm phát thải cacbon. Các chính sách sẽ cố gắng tối ưu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng, tăng cường tài trợ cho các chiến dịch “xanh” và đạt mức tiêu thụ carbon cao nhất càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
"Xinomic" và đôi chân yếu của kinh tế Trung Quốc
06:00, 17/08/2020
Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?
05:20, 02/08/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)
07:00, 08/07/2020
Viễn cảnh tối tăm của kinh tế Trung Quốc sau dịch bệnh Corona
02:00, 07/02/2020