Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ khủng hoảng
World Bank cho rằng viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 của Việt Nam sẽ phụ thuộc cơ quan chức năng kiểm soát đợt dịch mới bùng phát tốt và nhanh như thế nào.
LTS: Năm 2021, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng cao hơn năm 2020. Những biện pháp kịp thời và hiệu quả đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021- 2025.
TS. Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhận định: “Ngân hàng Thế giới kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% vào năm 2021”.
Tăng sức “đề kháng”
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng vọt ở mức 24,5% so cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng cao nhất kể từ đầu năm 2019. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa (SA) tăng lần lượt 51,8% và 41,8% so cùng kỳ 2020. Thặng dư thương mại hàng hóa tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD theo số liệu sơ bộ... Tương tự, nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ cũng tăng, tương tự như nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và EU
Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Chính phủ chi ngân sách tổng cộng 99,6 ngàn tỷ VND, tăng nhẹ (1,0%) so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công đạt 15 ngàn tỷ VND, với tỷ lệ giải ngân đạt 3,25%.
Tuy nhiên, theo nhận định của World Bank: Mặc dù nền kinh tế vẫn có khả năng chống chịu, nhưng nhiều hộ gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng do khủng hoảng COVID-19. Kết quả sơ bộ từ Khảo sát hộ gia đình tần suất cao qua điện thoại về COVID-19 của Ngân hàng Thế giới trong tháng 01/2021 chỉ ra rằng gần một nửa các hộ gia đình vẫn cho biết thu nhập gia đình của họ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 9% các hộ gia đình phải vay mượn và 15% phải cắt giảm tiêu dùng. Nếu kéo dài, hành vi thận trọng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu trong nước trong thời gian tới.
Viễn cảnh tăng trưởng?
Trước đó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1, và 6,46% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Các kịch bản này chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.
Ở trong nước, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài; nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Trong một môi trường biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ như hiện nay, World Bank cho rằng: Viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 sẽ phụ thuộc cơ quan chức năng kiểm soát đợt dịch mới bùng phát tốt và nhanh như thế nào, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vaccine trong nước và trên thế giới. Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, Chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng biện pháp tài khóa và tiền tệ.
WB cũng nhận định, cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa và những tác động xã hội có thể xảy ra vì mất thu nhập kéo dài ở một số hộ gia đình có thể tạo ra tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng mới.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM):
Cần có gói kích thích kinh tế lần 2 để thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới, nhưng để tránh những chính sách tác dụng ngược thì gói hỗ trợ phải chính xác về đối tượng, dựa theo kết quả đầu ra, tránh cào bằng.
Gói kích thích này khuyến khích cơ chế sàng lọc tự nhiên của thị trường, các doanh nghiệp khỏe hoạt động, còn doanh nghiệp yếu rút lui.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 19/02: Triển vọng kinh tế Việt Nam
06:05, 19/02/2021
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
11:11, 17/02/2021
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Kinh tế Việt Nam 2021-2030: Tạo đà bứt phá
05:30, 13/02/2021
Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (Kỳ I): Cơ hội trước thách thức lớn
04:00, 11/02/2021
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?
15:41, 20/01/2021
6 rủi ro của kinh tế Việt Nam năm 2021
14:00, 15/01/2021
Động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2021
15:29, 11/01/2021