RCEP sẽ tạo đà cho ngành dệt may phát triển mạnh trong năm 2021

Phương Thanh 21/02/2021 08:00

Hiệp định RCEP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào", mang lại lợi ích lớn cho cho ngành may mặc xuất khẩu Việt Nam.

Hưởng lợi về nguyên liệu xuất xứ

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 15 nước thành viên, tạo ra quy mô GDP gần 26.200 tỷ USD, có thể trở thành khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Thị trường này được kỳ vọng thúc đẩy chuỗi giá trị, kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành may mặc xuất khẩu được hưởng lợi nhất.

Hiệp định RCEP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu

Hiệp định RCEP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu

Chia sẻ rõ hơn về lợi ích này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Điều khoản của Hiệp định RCEP cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực các nước thành viên cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Hiệp định này dự kiến sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng, tạo tiền đề cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ từ năm 2021.

Khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể như Nhật Bản là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đó, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, thì đến nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn

Ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn

Qua đó cho thấy, ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu dễ đáp ứng hơn so với các Hiệp định Thương mại tự do khác như EVFTA và CPTPP.

Hơn nữa, trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào", giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt của ngành dệt may trong nước hiện nay.

Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây. Chẳng hạn như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, thì RCEP còn hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Do đó, lợi ích mang lại cũng khác biệt.

Hưởng lợi về thuế quan

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Hiệp định RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này. 

"Đây là hiệp định chúng tôi kỳ vọng vào hơn tỷ dân của khối hiệp định thương mại này sẽ tạo ra động lực và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hướng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu và một số thị trường khác", ông Giang cho biết.

Đánh giá lợi ích thuế quan, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu.

"Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định EVFTA, thì hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%.

"Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải”, ông Trường chia sẻ.

Hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần, với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Việc thu hút được các dự án đầu tư trong lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ giải bài toán xuất xứ nguyên liệu hàng hóa trong thời gian tới, điều này sẽ giúp dệt may tận dụng tốt các ưu đãi của các FTA đã ký kết.

Nhận định về thuận lợi từ RCEP, TS Trần Thị Hồng Minh- Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Các đánh giá định lượng đều cho thấy RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.

Bên cạnh đó, tác động đối với cải cách thể chế cũng hiện hữu, chủ yếu theo hướng tăng cường thêm động lực cho Việt Nam thực hiện các cải cách đã được xác định gắn với các cam kết trong CPTPP và EVFTA.

Có thể bạn quan tâm

  • Thực thi RCEP: Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP

    Thực thi RCEP: Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP

    04:50, 28/01/2021

  • RCEP và cơ hội thu hút đầu tư FDI

    RCEP và cơ hội thu hút đầu tư FDI

    15:45, 20/01/2021

  • RCEP: Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam

    RCEP: Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam

    15:34, 15/01/2021

  • Thu hút đầu tư vào Việt Nam với RCEP

    Thu hút đầu tư vào Việt Nam với RCEP

    11:00, 11/01/2021

Phương Thanh