Vận hội mới của đất nước nhìn từ Nghị quyết XIII: (Kỳ 3) Tạo đột phá thực sự về thể chế
Vấn đề trọng tâm nhất của phát triển giai đoạn tới là xây dựng thể chế cho phát triển cấu trúc mới. Đây cũng chính là một trong ba đột phá chiến lược được đề cập trong Nghị quyết XIII của Đảng.
LTS: Nhiều tư duy đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo và định hướng lớn mang tính đột phá được kết tinh trong Nghị quyết XIII của Đảng. Tất cả đã mở ra triển vọng hiện thực hóa khát vọng sáng tạo phát triển, xây đựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.
Tại Văn kiện Đại hội XIII, ba đột phá chiến lược đã được đưa ra để phát triển đất nước trong thời gian tới bao gồm: đột phá thể chế; đột phá về nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng.
Đây vẫn là 3 đột phá từ các kỳ đại hội trước nhưng đã được sửa đổi. Từ Đại hội XI, XII và đại hội lần này, bên cạnh 6 giải pháp quan trọng, chúng ta thực hiện 3 đột phá chiến lược. 3 đột phá chiến lược được thực hiện trong suốt 10, 15 năm qua nhưng chưa đạt được, do đó phải tiếp tục thực hiện 3 đột phát ở mức cao hơn.
Về định hướng về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, “Chúng tôi tin tưởng các Nghị quyết của Đảng tại Đại hội XIII sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, và hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải lọt vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN, vươn tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục khởi động một giai đoạn đột phá thể chế để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các chuẩn mực toàn cầu. Đó chính là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, "vấn đề trọng tâm nhất của phát triển giai đoạn tới là xây dựng thể chế cho phát triển cấu trúc mới".
Trong Nghị quyết Đại hội XIII, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập... tiếp tục là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới. Ông Thiên cho rằng, về mặt logic, nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ gồm 2 thứ. Một là, các thị trường phải phát triển, vì đây chính là nền tảng của kinh tế thị trường. Hai là, chủ thể của thị trường, động lực tạo ra lực động cho thị trường, đó là kinh tế tư nhân.
Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh rất rõ hai chủ thể này. Cụ thể, trong nội hàm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, Nghị quyết làm rõ cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Cơ cấu lại thị trường tài chính - tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao....
Có thể bạn quan tâm
Vận hội mới của đất nước nhìn từ Nghị quyết XIII: (Kỳ 2) Đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển quốc gia hiện đại
04:00, 25/02/2021
Vận hội mới của đất nước nhìn từ Nghị quyết XIII: (Kỳ 1) Tầm nhìn phát triển đến năm 2045
04:30, 24/02/2021
Điện Biên: 17/18 nhóm tiêu chí đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết XIII
11:06, 05/05/2019