Gạo Việt "tự tin" chinh phục thị trường

NGUYỄN VIỆT thực hiện 26/03/2021 04:30

Giá gạo Việt Nam tăng theo mặt bằng chung của thế giới, nhưng bên cạnh đó, phải khẳng định giá gạo Việt Nam tăng một phần do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện.

fs

Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương). 

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, VPCP vừa có Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan xử lý thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp nêu. 

Theo đó Diễn đàn Doanh nghiệp online đăng bài “Gạo Việt Nam lập đỉnh kỷ lục mới”, trong đó có đưa tin: “Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh giá mới, cao hơn 5-7USD/tấn so với gạo Thái Lan, vượt xa giá gạo Ấn Độ và Pakistan”. 

Về vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương). 

- Nguyên nhân giá gạo của Việt Nam tăng cao từ năm ngoái, có thời điểm cao nhất thế giới và sự kéo dài còn tiếp diễn sang đầu năm nay (2021), thưa ông? 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,25 triệu tấn, trị giá đạt 3,12 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 11,2% về trị giá; trong đó, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 499 USD/tấn, tăng 13,3% tương đương mức tăng 58 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa. 

Không chỉ giá gạo Việt Nam mà mặt bằng chung giá gạo trên thị trường thế giới có xu hướng tăng từ đầu năm 2020 do một số nguyên nhân như: (i) diễn biến nhanh, phức tạp và nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ gạo của các nước trên thế giới; (ii) chuỗi cung ứng xuất khẩu nhiều thời điểm bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa đất nước (Ấn Độ) hay tình trạng thiếu container vận chuyển; (iii) nguồn cung gạo của nhiều nước bị thu hẹp do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt như Bangladesh, Philippine,… 

Nhìn chung giá gạo Việt Nam tăng theo mặt bằng chung của thế giới, nhưng bên cạnh đó, phải khẳng định giá gạo Việt Nam tăng một phần do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm (chiếm 26,3% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2020), gạo japonica (chiếm 3,4%), gạo nếp (chiếm 8,8%), gạo lứt (1,7%), gạo trắng cao cấp (3,7%).v.v…đã góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

Trong năm 2020, các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và có hiệu lực như EVFTA, UKVFTA…với những ưu đãi về mặt thuế quan đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán gạo cao hơn so với gạo trắng, góp phần đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nông dân. 

fas

Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

- Việc giá gạo tăng và luôn ở ngưỡng cao sẽ còn diễn biến ra sao trong năm 2021 thưa ông? 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng vẫn ở mức cao. Dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines tăng 13%, Bờ Biển Ngà tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và EU tăng 2,1%. Đây là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2021 đạt 348 nghìn tấn, trị giá 192 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và 0,6% về trị giá, đây là thời điểm cận tết nguyên đán 2021, các giao dịch mua bán trong và ngoài nước có phần chững lại như thông lệ mọi năm. Tuy nhiên giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 552 USD/tấn, tăng 13,5%, tương đương mức tăng 66 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên thế giới, nguồn cung gạo tại các quốc gia sản xuất lúa gạo chính tại khu vực châu Á chưa được đoán định chính xác; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ chủ động theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường lúa gạo tại các quốc gia sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu chính trên thế giới, để kịp thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng phương án điều hành hoạt động xuất khẩu gạo một các hợp lý, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mang lại thu nhập tốt nhất cho bà con nông dân. 

- Giá gạo của Việt Nam đang ở ngưỡng cao như vậy, theo một số doanh nghiệp thì đang làm cho gạo Việt Nam khó cạnh tranh với gạo Thái Lan, Ấn Độ? Ông/bà đánh giá như nào về nhận định trên?  

Trong năm 2020, do nhu cầu dữ trữ lương thực của thế giới tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã đẩy mặt bằng chung giá gạo thế giới tăng lên. Không chỉ giá gạo Việt Nam, mà giá gạo Thái Lan, Ấn Độ nhiều thời điểm cũng tăng vượt mức kỷ lục trong những năm gần đây.

Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,…  Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam. Số liệu về trị giá xuất khẩu gạo của ta sang một số thị trường “có yêu cầu cao về chất lượng” đã cho thấy những “tín hiệu” tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng trong các năm gần đây. 

Thời gian tới, để khai thác tối đa các lợi thế mà ta đã có được trong các các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, VKFTA,... nhằm nâng cao thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam tại các thị trường này với mức giá cạnh tranh hơn, Bộ Công Thương mong muốn và kỳ vọng doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cường hơn nữa sự chủ động của mình trong việc tận dụng các cơ hội thị trường nêu trên.

Để làm được điều này, về phía Bộ Công Thương, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội thị trường như Hàn Quốc, EU,..., đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo (về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics, tín dụng…). Nếu tận dụng tốt các cơ hội thị trường này, năm 2021 Việt Nam có thể xuất khẩu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan được giao chủ trì về công tác sản xuất tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam,… nhằm tạo tiền đề cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường.

Trả lời phỏng vấn DĐDN về nội dung “Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh giá mới, cao hơn 5-7USD/tấn so với gạo Thái Lan, vượt xa giá gạo Ấn Độ và Pakistan”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, gạo Việt đạt mức giá kỷ lục là thành quả của sự nỗ lực bền bỉ trong chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Quý vị đón đọc bài viết "Vị thế mới cho gạo Việt" trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp số 25 ra ngày 26/3/2021 (thứ Sáu).

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân, cần phải lưu ý thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động tìm hiểu về các FTAs thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức; chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản hướng dẫn thực thi FTAs của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về Hiệp định, cơ hội thị trường tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương .

Thứ hai, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Thứ ba, tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; đồng thời kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có gạo hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.

Thứ tư, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” gạo từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thứ năm, cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo

    Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo

    04:00, 03/02/2021

  • Cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu gạo

    Cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu gạo

    11:00, 26/01/2021

  • Xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 3,07 tỷ USD

    Xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 3,07 tỷ USD

    21:33, 06/01/2021

  • UKVFTA thúc đẩy xuất khẩu gạo

    UKVFTA thúc đẩy xuất khẩu gạo

    16:25, 15/12/2020

  • Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về giá gạo xuất khẩu

    Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về giá gạo xuất khẩu

    09:00, 23/03/2021

NGUYỄN VIỆT thực hiện