Nguyên nhân tiết giảm phát nguồn năng lượng tái tạo
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, việc tiết giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc để đảm bảo an toàn cung cấp điện.
Theo lý giải từ A0, điện năng là loại hàng hóa đặc biệt, được sản xuất và cung ứng theo nguyên tắc tổng cầu = tổng cung. Trong thực tế, nếu không đảm bảo được nguyên tắc này, việc cung cấp điện sẽ không được đảm bảo, hệ thống điện quốc gia đối mặt với các sự cố nguy hiểm gây mất điện trên diện rộng, thậm chí tan rã cả hệ thống.
Tổng cầu là nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện giảm thấp trên phạm vi cả nước (sản lượng điện tiêu thụ của nước ta tăng bình quân khoảng 10% hàng năm, tuy nhiên năm 2020 chỉ tăng 2,45%; các tháng đầu năm 2021, lượng điện tiêu thụ chỉ tăng xấp xỉ 4,0% so với cùng kỳ năm 2020).
Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ điện có sự chênh lệch rất lớn giữa các giờ trong ngày (chênh lệch giữa buổi trưa và tối có thể lên tới khoảng 6.000 – 8.000 MW), giữa ngày làm việc và ngày nghỉ (ở mức khoảng 4.000 – 6.000 MW).
Trong giai đoạn hiện nay, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho hệ thống chiếm mức cao (xấp xỉ 23,5%) đã góp phần đảm bảo nguồn cung, nhưng do khả năng phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng sơ cấp tức thời, thay đổi thường xuyên khó dự báo nên việc đảm bảo cung cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn truyền thống. Các nguồn nguồn thủy điện tuy vận hành linh hoạt hơn nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 20% công suất hệ thống.
Đáng lưu ý là vào các cao điểm chiều tối hàng ngày, việc cung cấp điện hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn truyền thống do lúc này toàn bộ các nguồn cung từ điện mặt trời (khoảng 12.000-13.000 MW) đã không còn khả năng vận hành phát điện.
Bên cạnh đó, nhiều thời điểm các nguồn điện phát ở khu vực miền Trung/Nam không thể phát được tối đa do các ràng buộc lưới điện truyền tải 110/220 kV và cả liên kết 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Chính vì vậy, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.
Theo đơn vị này, trong thời gian tới, hiện tượng thừa nguồn, quá tải lưới điện gây tiết giảm năng lượng tái tạo được nhận diện sẽ tiếp tục xuất hiện, như giai đoạn tháng 7 - 9 (miền Bắc bước vào thời kỳ lũ chính vụ của các hồ thủy điện), sản lượng điện tiết giảm dự kiến khoảng 180 triệu kWh/tháng, giai đoạn tháng 10 - 12 (các nguồn điện gió vào vận hành đủ theo quy hoạch, đồng thời đang trong giai đoạn mùa lũ miền Trung - Nam), lượng tiết giảm có khả năng lên đến 350 - 400 triệu kWh/tháng.
Công tác vận hành hệ thống nói chung và đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp như thừa nguồn, quá tải lưới yêu cầu tính chính xác, kỷ luật và tuân thủ quy định điều độ ở mức cao nhất, nếu không sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng trên quy mô lớn.
Do đó việc cắt giảm năng lượng tái tạo là điều bắt buộc, để duy trì hệ thống điện vận hành an toàn và ổn định.
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, thông tin liên quan về việc này, Bộ Công Thương cho rằng việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.
Bộ Công Thương khẳng định, mặc dù A0 đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sông nhân dân trên cả nước.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều công trình lưới điện truyền tải nhằm tăng cường, đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo
03:30, 01/04/2021
Hệ thống điện quốc gia sẽ tăng chi phí do năng lượng tái tạo
04:00, 24/03/2021
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến dự trữ điện
19:08, 11/03/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: (Kỳ 2) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%
16:00, 24/02/2021
Triển vọng ngành năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2021
04:15, 17/02/2021
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XI): Năng lượng tái tạo sẽ chiếm xu thế trong năm 2021
12:24, 16/02/2021