KINH TẾ CUỐI TUẦN: Thị trường lao động và nỗi "ám ảnh" bóng ma Covid-19
Quý I năm 2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I năm 2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Trong đó, có 540.000 người mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, có 6,5 triệu người bị giảm thu nhập. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch COVID-19 là nông, lâm và thủy sản với 7,5% lao động bị ảnh hưởng, khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,5% lao động bị ảnh hưởng, và khu vực dịch vụ có tới 20,4% lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng đã khiến 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19,0% lao động trong các doanh nghiệp/Hợp tác xã còn bị ảnh hưởng, chủ yếu là giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm.
Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý I năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.
Chúng ta đang ở giai đoạn bình thường mới với nhiều cơ hội xen lẫn khó khăn thách thức, cần nỗ lực đổi mới sáng tạo để vực dậy và phát triển bền vững nền kinh tế-xã hội, nỗ lực quản trị rủi ro để hạn chế những tác động tiêu cực như giai đoạn vừa qua. Đó là khẳng định của các chuyên gia, cũng là chỉ đạo, hy vọng của người đứng đầu Chính phủ đối với giới doanh nhân, doanh nghiệp, đối với từng người dân.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Cụ thể như tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển...
Hiện nước ta vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng. Khoảng 93,5% lao động tự sản tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và một mặt giúp cải thiện đời sống của người lao động.
Sự nỗ lực là quan trọng nhất trong mọi hoàn cảnh, không chỉ đối với giai đoạn “bình thường mới”. Trong đó, cần những tư duy đột phá – tư duy mới. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh điều này khi phân tích và bày tỏ lo lắng về những “bóng ma thất nghiệp”: "Phải có những hành động trực tiếp từ phía các doanh nghiệp. Phải hỗ trợ được cho các doanh nghiệp và phải chú ý đến khu vực phi chính thức. Làm sao để cơ hội về việc làm được hình thành và duy trì công bằng ở hai khu vực. Những sách hỗ trợ của Nhà nước đều phụ thuộc vào thị trường. Nếu không đảm bảo được thị trường, không đảm bảo bảo được cầu với hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp thì rất khó để chúng ta đảm bảo được việc làm dài hạn".
Có thể bạn quan tâm
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong suốt thập kỷ qua
10:59, 06/01/2021
Doanh nghiệp “lao đao”, tỷ lệ thất nghiệp ở Đà Nẵng tăng mạnh do COVID-19
01:59, 30/12/2020
Quý I năm 2021: Thị trường lao động vẫn chìm trong "gam màu xám" vì COVID-19
03:00, 17/04/2021
Tình hình lao động quý 1 có gì đáng chú ý?
11:02, 16/04/2021
Thị trường lao động Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội việc làm
11:02, 09/04/2021