Xã hội hóa đầu tư ngành nước
Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư nước sạch: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4 tại trụ sở VCCI Hà Nội.
"Để đảm bảo hệ thống cấp thoát nước phát triển bền vững, nhà nước cần có chính sách mở hơn để khuyến khích tư nhân tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý nước thải" - Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khẳng định khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo ông Huân, với việc đề ra Nghị quyết 10 tại Hội nghị TW 5, Khóa XII, đó là kinh tế tư nhân sẽ trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Đây là cơ hội vàng cho kinh tế tư nhân được thể hiện mình, kể cả trong lĩnh vực cấp thoát nước.
- Như vậy, ngành cấp thoát nước sẽ có nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này trong thời gian tới?
Trước đây, có thời kỳ khuyến khích cổ phần hóa các công ty cấp nước công ích, nhưng về sau này không rõ tại sao xu hướng này đã có vẻ chững lại. Có thể do sự cạnh tranh không lành mạnh của các công ty cấp nước, hoặc các địa phương không mời các nhà đầu tư mua lại cổ phần của các công ty cấp nước công ích.
Hay với chính sách thu phí nước thải hiện nay là 10% phí cấp nước đã quá lỗi thời trong khi vốn ODA bị cắt giảm làm cho ngành thoát nước và xử lý thoát nước gặp khó khăn. Chỉ có chưa đến 20% nước thải được xử lý là bằng chứng rõ nhất về sự khó khăn này.
Tất nhiên, không thể tăng giá nước lên 3 lần để làm nước thải ngay lập tức vì hiệu ứng xã hội, nhưng cần phải đưa ra lộ trình để ngành nước tự đứng vững, đồng thời phải có các chính sách khuyến khích khác khi giá nước chưa đủ bù đắp chi phí để khối tư nhân hào hứng tham gia.
Chi phí xây dựng các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cao hơn nhiều lần so với cấp nước. Vì thế nếu không có sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này thì ngân sách nhà nước không thể bao cấp được, nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và nguy cơ ô nhiễm từ nước thải ngày càng trầm trọng.
- Vậy, để tạo động lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp thoát nước, theo ông nhà nước cần có những chính sách gì?
Thứ nhất, cần công bố thông tin một cách minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương. Cần có hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập.
Thứ hai, cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải.
Thứ ba, cần có cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có cả năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý để đầu tư, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng, tăng lãng phí xã hội.
Thứ tư, cần tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần.
Thứ năm, nhà nước cần có cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội đồng thời nêu cao tinh thần đạo đức trong kinh doanh.
- Vậy những giải pháp dài hơi thì sao, thưa ông?
Muốn phát triển bền vững cho cả cấp và thoát nước thì thu phải nhiều hơn chi để có đủ tiền trả vốn vay, trả chi phí vận hành bảo dưỡng và tái đầu tư. Ngoài ra công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các hệ thống cấp thoát nước cũng rất quan trọng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp cấp thoát nước, dù thuộc nhà nước hay tư nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với tinh thần đạo đức cao nhất.
Đặc biệt, chính sách giá phí là cực kỳ quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
- Xin cảm ơn ông!
Việc xây dựng các chính sách về nước sạch thời gian tới phải hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất nước sạch, doanh nghiệp cấp nước và quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng như xây nhà máy nước sạch, mạng lưới đường ống phân phối cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó nếu quản lý không ổn định, phân vùng cấp nước không rõ ràng, trong một vùng cấp nước mà có hai nhà đầu tư thì sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tường thuật trực tiếp Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư nước sạch: Cơ hội và thách thức”
06:40, 22/04/2021
Quảng Nam: Mua nước sạch lại về... nước bẩn
16:47, 08/03/2021
Đề xuất giảm giá nước sạch: Khắc phục "kẽ hở" trong xác định phương án giá nước
15:10, 12/10/2020
Hải Phòng: Báo động hàng trăm điểm “đầu độc” nguồn nước sạch
00:30, 09/09/2020
Hà Tĩnh: "Có nước sạch vẫn phải đào ao" vì nhà máy nước sạch vận hành thua lỗ
05:45, 22/07/2020
Vụ nhà máy nước sạch 6 tỷ bỏ hoang: Do vận hành thua lỗ
04:24, 22/07/2020