Xuất khẩu thủy sản sẽ tăng khoảng 10% trong quý II/2021
Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường như Đức, Canada, Hàn Quốc đều được đánh giá sẽ tăng mạnh thời gian tới.
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trị giá xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường, trong đó thị trường có trị giá tăng mạnh nhất là Nga tăng 55%; Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57,2% tổng trị giá xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong cả quý 2/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm tiếp tục tăng trưởng khả quan 10%, đạt 980 triệu USD; xuất khẩu hải sản ước đạt 816 triệu USD, tăng 9,6%,...
Diễn tiến xuất khẩu tôm và cá tra sẽ phụ thuộc chủ yếu vào biến động thị trường. Đối với mặt hàng tôm sẽ nhiều tín hiệu tốt hơn vì nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU tiếp tục đà gia tăng. Việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng ở những thị trường này giúp người dân dần yên tâm, quay lại với hoạt động du lịch và các hoạt động công cộng, do vậy nhu cầu sẽ phục hồi ở cả lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ.
Dẫn số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cũng cho biết: Xuất khẩu 2 mặt hàng cá tra và tôm sang Mỹ nhiều tín hiệu lạc quan khi trong tháng 2.2021, Mỹ đã nhập khẩu 8.510 tấn phile cá tra đông lạnh trị giá 21,4 triệu USD.
Giá trung bình nhập khẩu của cá tra phile đông lạnh ở mức 2,51 USD/kg, tăng 2,44% so với tháng 1.2021. Trong tháng 2.2021, Mỹ cũng đã nhập khẩu 52.902 tấn tôm trị giá 450,8 triệu USD.
Một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia Hiệp định CPTPP là một lợi thế đáng kể đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ NNPTNT cũng kỳ vọng tăng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường như: Đức, Đài Loan, Canada, Hàn Quốc…gồm các mặt hàng như cá tra, bạch tuộc, tôm.
Về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu thủy sản thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho sản xuất tôm của Ecuador, Ấn Độ; thêm nữa các chuỗi giá trị của các nước "đối thủ" cạnh tranh với Việt Nam bị đứt gãy. Đây là thời cơ lớn. Khi đã giữ được an toàn sinh học, Việt Nam tiếp tục tăng diện tích nuôi trồng để nâng cao sản lượng, giữ được chế biến.
Như vậy, chuỗi giá trị của Việt Nam có thể ổn định phát triển. Ví dụ, hiện nay Việt Nam không những đảm bảo mà còn tăng diện tích nuôi tôm lên trên 74.000 ha, dự kiến năng suất tôm/ha cũng sẽ tăng. Khi FTA với các nước được mở ra, nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam giảm sút thì đó chính là cơ hội của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, những năm tới đây sẽ thúc đẩy đồng thời nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản từ nuôi, chế biến, thị trường, hợp tác quốc tế. Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư vào hạ tầng vì hạ tầng thủy sản rất yếu kém, trong nhiều năm qua chưa được đầu tư thích đáng kể cả nuôi và khai thác.
Ước trị giá nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 4/2021 đạt 180 triệu USD, đưa tổng trị giá thủy sản nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 679 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng 15%; Nauy chiếm 11,3% và Trung Quốc chiếm 9,2%.
Có thể bạn quan tâm