Kích thích kinh tế mùa dịch COVID-19 (Kỳ I): Mỹ "mạnh tay" chi các gói cứu trợ trị giá nghìn tỷ USD

CẨM ANH 19/05/2021 04:30

Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã liên tiếp đưa ra những chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ, trong đó có việc đề xuất các gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chi mạnh tay để phục hồi nền kinh tế Mỹ.

Vào đầu năm nay, ông Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, còn được biết đến với tên gọi “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”. Gói cứu trợ này bao gồm 400 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ, viện trợ 350 tỷ USD cho chính quyền các bang và địa phương, hỗ trợ những người thất nghiệp, mở rộng chăm sóc y tế công cộng và tăng thêm quỹ dành cho kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được đẩy nhanh trên toàn nước Mỹ.

Ông John J. Pitney Jr., nhà khoa học chính trị tại Claremont McKenna College, đánh giá, rất ít Tổng thống Mỹ thông qua được bất cứ điều gì như gói cứu trợ trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Tuy nhiên thay vì đưa ra các biện pháp kích thích, ông Biden đã lựa chọn cung cấp gói cứu trợ. 

Mục đích của các gói cứu trợ là giảm các hoạt động kinh tế, đưa nền kinh tế vào trạng thái “hôn mê” tạm thời để tuân thủ các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong khi chờ đợi có đủ nguồn cung vaccine. Ở chiều ngược lại, mục tiêu của các biện pháp kích thích là nâng cao các hoạt động kinh tế, cung cấp động lực để mọi người tăng chi tiêu hoặc nỗ lực làm việc và các doanh nghiệp tăng cường đầu tư.

Tuy nhiên, điều nền kinh tế Mỹ cần trong thời điểm đó là một gói cứu trợ khẩn cấp. Do đó, đưa ra các biện pháp kích thích sẽ không hiệu quả. Với việc đảng Dân chủ nắm đa số tại Hạ viện và Thượng viện đã tạo đà để gói cứu trợ 1.900 tỷ USD nhanh chóng được thông qua. Điều này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Mỹ.

Ngay sau khi được phê chuẩn, khoảng 20 tỷ USD sẽ được dành cho chương trình phân bổ vaccine COVID-19 và 50 tỷ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết virus SARS-CoV-2. Nhờ đó, các nhà sản xuất vaccine COVID-19 tại Mỹ đã có thể tăng sản xuất vaccine, đồng thời hỗ trợ chính quyền liên bang xây dựng các trang web phục vụ tiêm phòng đại trà để đảm bảo rằng người dân có thể tiếp cận với vaccine trong vòng 8,5km.

Với nỗ lực, hơn 42% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, trong đó gần 30% đã được tiêm chủng đầy đủ. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì COVID-19 giảm đáng kể, cho phép người dân Mỹ đã tiêm đủ hai mũi vaccine có thể bỏ khẩu trang khi ra nơi công cộng, đồng thời có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Cùng với đó, khoản hỗ trợ 1.400 USD/người cho những cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD/năm và các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm; người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9/2021 và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ… đã giúp người dân có thể chống chọi qua đại dịch.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các khoản tiền được bơm vào nền kinh tế Mỹ trong mùa dịch Covid-19 đã thúc đẩy tăng trưởng nội địa, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của IMF, mức chi tiêu trên sẽ mở rộng GDP của Mỹ thêm 5-6% trong vòng 3 năm tới.

Theo người phát ngôn IMF Gerry Rice ngày 11/3, gia tăng nhu cầu ở Mỹ sẽ giúp các nước khác bán thêm nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ. “Hầu hết quốc gia sẽ hưởng lợi từ nhu cầu mạnh hơn của Mỹ, do đó sẽ giúp tăng trưởng và phục hồi toàn cầu", ông Rice nhận định.

Các gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD được cho là

Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD được cho là "canh bạc lớn" của Tổng thống Mỹ.

Mới đây, Tổng thống Biden tiếp tục đề xuất kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD, chạm đến hầu như mọi ngõ ngách của đất nước và vượt xa những cam kết thông thường về xây dựng. Được biết, kế hoạch này nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đồng thời gói kích thích này được kỳ vọng sẽ tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế hùng cường và công bằng, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế và tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao cho tầng lớp trung lưu Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Mỹ cảnh báo, kế hoạch mới của ông Biden là một “canh bạc lớn”, và lo ngại rằng mức độ thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và lạm phát có thể bùng phát mạnh hơn nữa.

Các chuyên gia cho rằng, đối với nhiều quốc gia khác cũng cần đẩy mạnh các gói cứu trợ, kích thích kinh tế tùy theo mức độ thiệt hại do đại dịch để sớm phục hồi. Nhưng về cơ bản, ưu tiên hàng đầu vẫn là các nước cần đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng song song với việc tung ra các gói cứu trợ như Mỹ.

Còn nữa... 

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế

    Hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế

    13:00, 06/04/2021

  • Thấy gì từ gói kích thích mới của Mỹ?

    Thấy gì từ gói kích thích mới của Mỹ?

    12:00, 10/03/2021

  • Hạ viện thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD: Kỳ vọng khôi phục kinh tế Mỹ?

    Hạ viện thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD: Kỳ vọng khôi phục kinh tế Mỹ?

    00:51, 28/02/2021

  • Phố Wall phản ứng tích cực trước gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua

    Phố Wall phản ứng tích cực trước gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua

    10:58, 06/02/2021

CẨM ANH