[eMagazine] Thấy gì từ bức tranh xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2021?
Bức tranh xuất nhập khẩu những tháng đầu năm được đánh giá là có nhiều màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, khó khăn chưa hẳn đã hết.
Báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%, gồm: Điện thoại và linh kiện có trị giá xuất khẩu lớn nhất đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7%, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD, tăng 32,4%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Mặc dù thị trường xuất khẩu có nhiều tín hiệu lạc quan song nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít thách thức do chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 ở nhiều khu vực.
Nhiều chuyên gia và hiệp hội ngành hàng cho rằng, nguyên liệu phục vụ sản xuất - xuất khẩu không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam. Không chỉ phân bón, thức ăn chăn nuôi, mà xăng dầu, nguyên liệu nhựa, sắt thép, sợi... cũng đang đứng trước "bão tăng giá" trong những tháng đầu năm 2021.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kể từ 12/2020 - 2/2021, giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những người làm dệt, may rất căng thẳng. Có thể nói, ngành dệt may đang chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến, lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch tới 1 triệu tấn.
Doanh nghiệp dệt Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sợi từ nước ngoài nhưng sản lượng bông (nguyên liệu dùng để kéo sợi) thế giới năm qua sụt giảm khiến giá sợi nhiều nơi đã tăng lên từ 25 - 30%. Trước tình thế trên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải tìm nguồn hàng thay thế từ Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, nắm bắt được tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên liệu trên thị trường, nhiều nhà cung ứng mới cũng liên tục tăng giá.
Trong khi đó, đại diện Công ty Sài Gòn Food cho hay, đến thời điểm hiện tại, tất cả các nguyên liệu sản xuất từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Trong đó, giá các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, găng tay cao su tăng 300%... Từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm chịu ảnh hưởng tăng từ 5-15% tùy từng loại mặt hàng trong quý I và II, có thể tăng từ 10-25% từ quý III và IV/2021.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay không dám nhận đơn hàng dài hạn cho cả năm do lo ngại biến động chi phí đầu vào. Các vật liệu phụ liên quan đến hóa chất, xốp, mút, keo... đều tăng từ 20-30%.
Dù đã được nói đến nhiều và không phải mới nhưng đây vẫn là câu chuyện cần lưu ý trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam bắt đầu có xuất siêu từ năm 2012 với 284 triệu USD. Từ đó đến nay, xuất siêu liên tiếp tạo lập những “mốc son mới”. Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, xuất siêu của Việt Nam vẫn có được con số kỷ lục 19,1 tỷ USD. Và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu đã đạt 1,29 tỷ USD...
Thành tích xuất siêu trong những năm qua không những đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mà còn đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.
Nếu nhìn tổng thể vào con số xuất siêu thì đây là kết quả rất tích cực. Tuy nhiên nhìn vào từng con số cụ thể thì lại chưa hẳn như vậy. Bởi thành tích xuất siêu hoàn toàn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô), với 34,6 tỷ USD – năm 2020, còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu tới 15,5 tỷ USD (2020). Trong 4 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD, nhưng xuất siêu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) với 11,21 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu tới 9,92 tỷ USD.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nếu như năm 2012, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ chiếm 63,1%, thì đến 4 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng này đã tăng lên 75,2%, theo số liệu từ báo cáo của Bộ Công Thương. Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đáng lưu ý, các con số thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương đều cho thấy, ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng cao như với mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực này chiếm tới 99,1%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cho thấy một thực tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn chưa bền chặt. Những doanh nghiệp nội địa vẫn chưa cho thấy tiềm lực đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là yếu tố quan trọng với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí hết năm. Hiệp hội Dệt may dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD như đã đề ra.
Ông Giang nhận định, đơn hàng về khá, kim ngạch xuất khẩu tăng chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới. Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.
Hiệp hội Dệt may đã và đang vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào chuỗi cung nguyên liệu Việt Nam. Để làm được việc này, Hiệp hội Dệt may cũng kiến nghị Chính phủ quy hoạch những khu vực khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt may, có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh. Trước đó, giải pháp này đã được nêu ra ở nhiều hội nghị, hội thảo nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức đề xuất. Các cơ quan quản lý, ngành hàng phải hành động cụ thể cho chiến lược phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa phục vụ sản xuất – xuất khẩu. Bởi chủ động nguyên liệu tại chỗ không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất kiểm soát được chi phí, giá thành mà còn là điều kiện quan trọng để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Cũng trong nhóm hàng “tỷ đô”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% và đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Australia, Canada, Anh, Nga sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp bất ổn hay rào cản thị trường.
Đối với mặt hàng lúa gạo, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, tiếp tục là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. “Nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những “đối thủ” lớn trên thị trường như Thái Lan, Campuchia-những quốc gia vốn nổi tiếng là có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Đồng thời tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời…
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm 2021 vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: Vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí logistics, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…
“Cùng với những giải pháp của Bộ Công Thương, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt cơ hội từ bối cảnh mới”, Thứ trưởng nói.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của chúng ta mang lại. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp trong nước, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19: Quảng Ninh siết chặt phương tiện xuất nhập khẩu vào Móng Cái
15:36, 18/05/2021
MSB chủ trì toạ đàm cho doanh nghiệp Xuất nhập khẩu bứt tốc phát triển thời Covid
04:05, 11/05/2021
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu phía Nam kêu cứu vì bị “phân biệt đối xử”?
11:00, 04/05/2021
Xuất nhập khẩu tháng 4/2021: Tín hiệu mừng từ nhập siêu
03:30, 04/05/2021
Môi trường kinh doanh: Lĩnh vực xuất nhập khẩu liên tục có sự cải thiện
04:30, 21/04/2021
Doanh nghiệp vẫn “khổ” vì thủ tục xuất nhập khẩu
04:40, 19/04/2021
Tín hiệu tích cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa dịp đầu năm 2021
02:00, 19/02/2021