Thuế xuất nhập khẩu dệt may chưa hợp lý
Doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ việc thu thuế ngay lập tức hàng nhập khẩu tại chỗ phục vụ cho hàng sản xuất xuất khẩu.
Ở bài trước, chúng tôi đã thông tin về việc Doanh nghiệp dệt may mong được "gỡ khó" về thuế nhập khẩu nguyên liệu. Bất cập của Nghị định 18/2021/NĐ-CP mới ban hành là việc một đối tượng hàng hoá mà cả hai doanh nghiệp đều phải nộp thuế, đồng thời lãng phí nguồn lực và không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may gia công.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may về các vướng mắc đối với chính sách thuế và thủ tục hải quan. Trao đổi với DĐDN, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, Nghị định 18/2021 vô hình chung dẫn tới việc không khuyến khích doanh nghiệp dệt may chủ động làm hàng sản xuất xuất khẩu, mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm hàng gia công.
- Cụ thể, vướng mắc thuế tại Nghị định 18/2021 gây khó khăn gì cho doanh nghiệp dệt may, thưa ông?
Tại điểm g, h khoản 6, điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định: “sản phẩm xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu. Người xuất khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ và kê khai nộp thuế xuất khẩu theo mức thuế suất và trị giá của sản phẩm xuất khẩu tại chỗ theo quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ; Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập khẩu gia công được miễn thuế nhập khẩu… Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai…”.
Điều này có nghĩa doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ.
Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế. Quy định này tạo ra bất cập cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc quy định hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế đã vô hình chung dẫn tới việc không khuyến khích doanh nghiệp chủ động làm hàng sản xuất xuất khẩu (hàng FOB), mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm hàng gia công. Đồng thời, không có sự công bằng giữa hai loại hình này.
- VITAS cũng cho rằng đây là sự lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng vậy, theo Nghị định 18/2021 quy định thì doanh nghiệp sẽ phải đóng ngay một khoản tiền thuế khá lớn và “treo” số tiền này tại đó cho đến thời điểm doanh nghiệp chứng minh đã thực sự xuất khẩu và hoàn tất hồ sơ hoàn thuế. Quá trình này thường kéo dài khá lâu. Đây là sự tốn phí rất lớn về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp, cũng như tăng các thủ tục hành chính đối với cơ quan quản lý.
- Vậy doanh nghiệp có để xuất giải quyết vướng mắc này là gì, thưa ông?
Doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ việc thu thuế ngay lập tức hàng nhập khẩu tại chỗ phục vụ cho hàng sản xuất xuất khẩu. Bởi thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong nước, do đó theo quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu phải được miễn thuế.
Cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công.
Cùng với đó, Nghị định cần làm rõ, sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu cần nộp thuế nhập khẩu có bao gồm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng được chỉ định hàng hóa giao từ các doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan không?
Đối với trường hợp doanh nghiệp đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm cho thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng hóa cho doanh nghiệp không phải doanh nghiệp chế xuất hoặc thuộc phi thuế quan thì có được hoàn thuế nhập khẩu không?
- Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex:
Giai đoạn 2021 - 2023 sẽ là giai đoạn quyết định để doanh nghiệp dệt may có thể phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hơn hoặc doanh nghiệp có thể tụt hậu và bị bỏ rơi dần khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp dệt nay phải đẩy mạnh xúc tiến thị trường, thay đổi phương thức xuất khẩu từ gia công cắt may thuê sang FOB (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm), ODM (thiết kế - sản xuất - bán thành phẩm), tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên:
Trên thực tế triển khai Nghị định 18/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 134/2016/NĐ-CP vẫn còn gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi kiến nghị, bãi bỏ việc thu thuế ngay lập tức đối với hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, giữ nguyên chính sách thuế xuất đối với loại hình sản xuất xuất khẩu như quy định tại Nghị định 134/2016. Cho phép doanh nghiệp miễn thuế 300 ngày cho đến khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá đi tương tự loại hình gia công.
Ngành dệt may đang đứng trước những cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Nhưng để tận dụng được những cơ hội này, đẩy mạnh xuất khẩu để mang ngoại tệ về cho đất nước, doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh- cụ thể là sửa đổi những quy định “trói tay” doanh nghiệp như vậy.
Có thể bạn quan tâm