Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 3) Lo âu với nhập siêu
5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu đã quay trở lại. Mặc dù con số 369 triệu USD chưa phải là lớn song trong bối cảnh hiện tại đang diễn ra cũng để lại không ít “lo âu”.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính 5 tháng đầu năm 2021 Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%). Có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 45,3%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%; thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
Nếu nhìn vào số liệu nêu trên cho thấy thành tích này vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể 5 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 12,74 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD. Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.
Xuất nhập khẩu trong nhiều tháng qua vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Sau nhiều năm liên tục xuất siêu, 5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu đã quay trở lại. Mặc dù con số 369 triệu USD chưa phải là lớn song trong bối cảnh hiện tại đang diễn ra cũng để lại không ít “lo âu”.
Bên cạnh đó con số nhập siêu còn có lý do từ việc các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020
Trong đó bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Điều đáng lưu ý là nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2021 lại là hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ thì rất đáng bàn, bởi nó chẳng những không có tác dụng thúc đẩy mà ngược lại còn có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Đơn cử như ô tô, số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021 ô tô nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD, tăng tới 69,9% so với cùng kỳ năm trước. Về nhóm hàng tiêu dùng, trong 5 tháng qua cũng nhập khẩu tới 8,16 tỷ USD, tăng 29,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng chiều tăng với kim ngạch xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản đạt 19,57 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm... Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch COVID-19.
Đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 2) Điểm sáng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
11:00, 02/06/2021
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 1) Lạm phát và làn sóng COVID-19 mới
04:00, 31/05/2021
Chuyên gia ADB nêu những lưu ý cho nền kinh tế Việt Nam
03:00, 04/05/2021
Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"
13:00, 28/04/2021