Dệt may muốn đối thoại với Bộ Tài chính

PHAN NAM (thực hiện) 12/06/2021 04:00

Từ việc Vitas kiến nghị về những bất cập chính sách thuế nhập khẩu tại chỗ của Nghị định 18/2021/NĐ- CP cho thấy, tính tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng đang bất cập.

 Vitas cho rằng doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn vì việc phải đóng 2 loại thuế cùng đối tượng hàng hóa.

Vitas cho rằng doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn vì việc phải đóng 2 loại thuế cùng đối tượng hàng hóa.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp được đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin với DĐDN. Theo đó, Vitas đã có văn bản chỉ rõ những bất cập của Nghị định 18/2021 gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 18/2021 lại chỉ phản hồi thông qua báo chí?

Hiệp hội không nhận được phản hồi

Chia sẻ với DĐDN, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May cho biết, dù Vitas đã có văn bản gửi các cơ quan trong đó có Bộ Tài chính từ gần 1 tháng qua nhưng Vitas không hề nhận được phản hồi từ cơ quan này. Và những thông tin phản hồi từ phía Bộ Tài chính cũng chỉ thông qua báo chí. Do đó, việc tiếp cận thông tin của Vitas là chưa đầy đủ và không chính thống nên không biết xử lý ra sao?

Những bất cập được Vitas đưa ra đối với Nghị định 18/2021 về vấn đề doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ.

Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế. Quy định này tạo ra bất cập cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc quy định hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế đã vô hình chung dẫn tới việc không khuyến khích doanh nghiệp chủ động làm hàng sản xuất xuất khẩu (hàng FOB), mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm hàng gia công. Đồng thời, không có sự công bằng giữa hai loại hình này.

Bác bỏ kiến nghị của Vitas, Bộ Tài chính cho rằng, Chính sách thuế từ Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016 đến Nghị định 134/2016 và Nghị định 18/2021 đều nhất quán chính sách thuế xuất nhập khẩu.

Cần đối thoại trực tiếp

Theo Bộ Tài chính, nộp thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu tại chỗ được thực hiện theo căn cứ quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu. “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”.

Trong khi, Điều 1 Nghị định 18/2021 quy định “sản phẩm xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu”. Như vậy, nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu tại chỗ là không thay đổi.

Đối với vấn đề thuế nhập khẩu tại chỗ để gia công, theo Bộ Tài chính, Nghị định 18/2021 quy định miễn thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công là phù hợp với quy định hiện hành.

Theo Nghị định 18/2021, doanh nghiệp sẽ phải đóng ngay một khoản tiền thuế đến thời điểm doanh nghiệp chứng minh đã thực sự xuất khẩu và hoàn tất hồ sơ hoàn thuế. Quá trình này thường kéo dài khá lâu và mất nhiều thủ tục. Theo ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, kiến nghị của Vitas nhằm tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công như hiện nay. Ngoài ra, quan điểm thu trước hoàn sau của Bộ Tài chính là cách làm nắm chắc phần thu nhưng lại gây khó khăn bất cập cho doanh nghiệp.

Ông Dương cho rằng, các vấn đề vướng mắc phát sinh từ phía doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp cần có những trao đổi trực tiếp, cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Để tháo gỡ bất cập trong sản xuất kinh doanh cuối tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội và đây cũng là một nội dung mà doanh nghiệp kiến nghị cần đưa vào xem xét.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam:

Nhiều doanh nghiệp đang bày tỏ lo ngại, thậm chí bức xúc về những khó khăn tại Nghị định số 18/NĐ-CP. Theo đó, quy định đối với phương thức xuất nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu cho hàng hóa nguyên liệu mua của doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ, sau đó làm thủ tục hoàn thuế sau khi hàng hóa được xuất khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp trong nước. Trước đó, Nghị định 134/2016/NĐ-CP không quy định việc nộp thuế này.

ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công:

Nếu thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có một khoản tiền tạm ứng thuế trước, sau đó mới chờ các thủ tục hoàn thuế lại. Hầu hết doanh nghiệp đều phải đi vay ngân hàng để nộp thuế. Thời gian thực hiện các thủ tục hoàn thuế rất lâu, khoảng 7 tháng và khi hoàn thuế, doanh nghiệp không được hoàn cả số lãi vay. Do đó, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến dòng tiền, giảm sức cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 11/06: Dệt may muốn đối thoại với Bộ Tài chính

    ĐIỂM BÁO NGÀY 11/06: Dệt may muốn đối thoại với Bộ Tài chính

    05:00, 11/06/2021

  • Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 4) Dệt may, da giày nhiều tín hiệu khởi sắc

    Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 4) Dệt may, da giày nhiều tín hiệu khởi sắc

    11:00, 08/06/2021

  • Thuế xuất nhập khẩu dệt may chưa hợp lý

    Thuế xuất nhập khẩu dệt may chưa hợp lý

    11:00, 28/05/2021

  • Doanh nghiệp dệt may mong được

    Doanh nghiệp dệt may mong được "gỡ khó" về thuế nhập khẩu nguyên liệu

    04:30, 26/05/2021

  • Dệt may gỡ điểm nghẽn, tận dụng cơ hội từ EVFTA

    Dệt may gỡ điểm nghẽn, tận dụng cơ hội từ EVFTA

    03:00, 14/05/2021

PHAN NAM (thực hiện)