THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần khơi thông chính sách
Theo các chuyên gia nhận định, vẫn cần có khung chính sách cởi mở, minh bạch để tạo điều kiện cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới.
>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
Vẫn còn khoảng trống
Trao đổi tại Diễn đàn "Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam", bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng cho biết, nghiên cứu chính sách nhận định, xu hướng phát triển về năng lượng của Việt Nam những năm gần đây, trước thời điểm 2016, đa số nguồn điện mới được phát triển chủ yếu về thủy, nhiệt điện. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay nguồn điện mới chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo khi công nghệ đã phát triển và chính muồi để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể phát triển.
Bên cạnh đó, những đột phá về mặt chính sách cũng góp phần mang lại sự thay đổi này khi Chính phủ đã có những chính sách kịp thời thúc đẩy thị trường phát triển bắt đầu từ năm 2017 đến 2018. Cụ thể 2 chính sách về giá FIT cho điện mặt trời và điện gió.
Theo bà Nhiên nhận định, đây là hai công cụ chính sách kích hoạt thị trường. Bắt đầu từ năm 2018, tỷ lệ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1%, nhưng đến năm 2021, tỷ lệ công suất lắp đặt năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã tăng lên 29%, cho thấy vai trò quản lý và tầm nhìn của Chính phủ trong phát triển nguồn phù hợp với phát triển kinh tế. Việc đa dạng hóa nguồn đầu tư cho năng lượng đạt đến kỳ vọng như Chính phủ đã đặt ra.
Mặc dù vậy, bà Nhiên cho rằng, các chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống. Đến cuối 2020 giá FIT cho điện mặt trời đã kết thúc và cuối tháng 10/2021, giá FIT cho điện gió kết thúc. "Mặc dù trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan đến sau giá FIT là gì? Với điện mặt trời, sau giá FIT là giá FIT2. Với điện gió sau giá FIT 1 từ năm 2011 và giá FIT 2 là năm 2018. Tuy nhiên, đến bây giờ cơ chế đấu thầu vẫn chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào? Đây cũng là điểm cần làm rõ trong thời gian tới", bà Nhiên cho biết.
Bên cạnh đó, bà Nhiên cũng chỉ ra, Chính phủ cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt và liên tục mới có thể duy trì thị trường phát triển. Hiện nay, giá mua điện năng lượng tái tạo từ các nhà máy mới thường được mang ra so sánh với các nhà máy thủy, nhiệt điện được phát triển từ nhiều năm về trước. Do đó, cơ sở so sánh này sẽ không thể thúc đẩy thị trường này phát triển.
Về bản chất, Việt Nam đã nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2015. Do vậy, việc gia tăng tỷ lệ sản xuất điện từ nguồn nhiên liệu nhập khẩu sẽ đẩy ngành điện ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu này, cũng như tăng rủi ro cho ngành do tiếp tục phải phụ thuộc vào thị trường thế giới.
- THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần nâng cấp lưới điện và tăng cường liên kết vùng
- Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Dự án năng lượng bị cắt giảm công suất sẽ "kìm chân" dòng đầu tư
Mặt khác, Việt Nam đang thiếu chiến lược chuyển dịch năng lượng tổng thể quốc gia trong dài hạn như nội địa hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, giảm chi phí phát triển nguồn bằng chính sách số hóa hoặc minh bạch quy trình phê duyệt một cửa cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc công bằng trong tiếp cận dự án.
Chính vì vậy, bà Nhiên nhận định, cần có cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như tổ chức đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc công suất hoặc đầu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện và cơ sở hạ tầng ngành điện
Theo bà Nhiên, thách thức phát triển cho ngành điện Việt Nam trong 10 năm tới song song với phát triển nguồn mới thì thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện. Hiện nay Việt Nam có hai loại lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối. Từ trước Chính phủ có một số chính sách cho lưới điện phân phối nhưng chưa có cho lưới điện truyền tải.
Vẫn cần khuôn khổ pháp lý
Đánh giá về những vướng mắc chính sách cho ngành năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam đánh giá, một trong những "nút thắt" chính sách là Quy hoạch điện 8. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII không được phê duyệt sẽ là nút thắt đầu tiên để cản trở các chính sách tiếp theo.
Bên cạnh đó, ông Huân đánh giá, năng lực lưới truyền tải điện hiện nay đang có nhiều vấn đề và cần được nâng cấp thì phải kêu gọi đầu tư. Theo ông Huân, Nghị Quyết 55 đã nêu kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư vào lưới điện, nhưng theo điều 4 Luật Điện lực có nhắc tới vấn đề độc quyền về phân phối điện.
Do đó,ông Huân cho rằng, để Nghị quyết của Trung ương nêu ra đi vào thực tế cần khuôn khổ pháp lý nhất định, như Luật Điện lực cần nghiên cứu xem xét sửa đổi hoặc chính sách khác cần có hướng dẫn để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác có thể tham gia; đồng thời, các sở ban ngành địa phương có thể áp dụng triển khai.
Mặt khác, cần có hướng dẫn về chính sách giá cũng như hướng dẫn quy trình đấu thầu để các nhà đầu tư có thể nắm rõ khi giá FIT không được áp dụng. Hay về một số vấn đề khác như lộ trình phát triển công nghệ cho ngành điện. Hiện nay, điện rác với Việt Nam còn khá mới, các địa phương hầu như lúng túng trong lựa chọn công nghệ nào; thậm chí, các Bộ ngành chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này.
"Chính vì vậy, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành tham gia xây dựng chính sách và khung pháp lý để tạo nền tảng thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển hơn trong tương lai", ông Huân khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cấp lưới điện và tăng cường liên kết vùng cho năng lượng tái tạo
16:16, 26/11/2021
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
11:34, 26/11/2021
Phát triển năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong muốn chính sách ổn định, liên tục
11:00, 25/11/2021