An sinh cho người lao động trong Khu công nghiệp

THU DUYÊN 24/12/2021 04:05

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2020 có khoảng 1,7 triệu lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên cả nước đang cần nhà ở.

>>Chính sách nhà ở xã hội: Càng gỡ càng vướng

Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp là vấn đề “nhức nhối” nhiều năm nay. Một lần nữa nó lại “bùng lên” khi hình ảnh từng đoàn người “tháo chạy” về quê trước đại dịch COVID- 19 hoành hành ở những thành phố lớn. Đến bao giờ người lao động mới thực sự an cư? 

 Dự án nhà ở công nhân của VSIP Tiên Du Bắc Ninh

Dự án nhà ở công nhân của VSIP Tiên Du Bắc Ninh

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2020 có khoảng 1,7 triệu lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên cả nước đang cần nhà ở. Trong khi đó, các dự án đô thị, nhà ở xã hội dành cho người lao động ít về số lượng, chậm về tiến độ. Hiện đang có 278 dự án triển khai thực hiện với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn.

Vướng đủ đường

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội với nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích các chủ đầu tư tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Tình trạng trên diễn ra một phần do nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Vì vậy, có nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai thực hiện do thiếu hụt vốn. Ngoài ra còn do thiếu hụt quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân, chính sách ưu đãi đầu tư và thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân chưa thực sự hấp dẫn” – ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền lý giải.

>>Đề xuất rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

>>HẠ TẦNG XÃ HỘI KHU CÔNG NGHIỆP: Bình đẳng nhà ở xã hội KCN với các bất động sản khác

Trên thực tế nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân vào kế hoạch định kì theo quy định; chưa triển khai lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án để bàn giao cho chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư KCN mong muốn được đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để đảm bảo nguồn lao động ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động nhưng lại thiếu quỹ đất để đầu tư.

Cũng theo ông Điệp, hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội hiện hành chưa đủ hấp dẫn. Bởi lẽ, nhiều chi phí “không tên”, dẫn đến chủ đầu tư bị thiệt, thậm chí bị thua lỗ. Quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng tương tự quy trình nhà ở thương mại, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư.

Giải pháp nào?

Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 trọng tâm là Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng. Chính sách này nhằm hỗ trợ khoản vay ưu đãi cho công nhân KCN mua, thuê nhà ở xã hội hoặc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để “mở đường” cho nhà ở công nhân: quy hoạch, quỹ đất; cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, giá thuê, giá bán nhà… nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp muốn đầu tư.

Nhu cầu cấp thiết là có, cơ chế chính sách hỗ trợ có nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD): Trong quá trình khảo sát xây dựng dự án “Thúc đẩy khu công nghiệp phát triển theo hướng bền vững tại Việt Nam”, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp đang loay hoay áp dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước khi thực hiện dự án nhà ở xã hội và đặc biệt là nhà ở cho công nhân và các dịch vụ phụ trợ như y tế, nhà trẻ, trường học, chợ…

“Họ cần được định hướng, tư vấn và đồng hành “gỡ rối” khi cần. Thông qua Bộ chỉ số phát triển bền vững dành cho các KCN, dự án sẽ đánh giá được điểm mạnh – yếu của họ từ đó xây dựng những mô hình phát triển bền vững phù hợp quy mô, năng lực quản trị của doanh nghiệp, giúp cải thiện môi trường sinh thái và vấn đề an sinh xã hội cho người lao động”, ông Vinh nhấn mạnh.

Còn theo ông Huỳnh Tiến Dũng, giám đốc IDH Việt Nam, đơn vị đồng hành cùng dự án “Thúc đẩy khu công nghiệp phát triển theo hướng bền vững tại Việt Nam”: Muốn phát triền bền vững thì doanh nghiệp – chủ đầu tư KCN không chỉ cần phải giải quyết các vấn đề môi trường, quản trị, đầu tư mà còn cần phải ưu tiên giải quyết tốt bài toán an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sống và làm việc cho người lao động. Và chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp “giải toán” một cách hiệu quả bằng những kinh nghiệm thực tế đang được áp dụng tại các nước công nghiệp phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Khu công nghiệp Sông Khoai

    Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Khu công nghiệp Sông Khoai

    15:29, 22/12/2021

  • CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Thực trạng và giải pháp cho hạ tầng an sinh cho các khu công nghiệp

    CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Thực trạng và giải pháp cho hạ tầng an sinh cho các khu công nghiệp

    16:42, 30/11/2021

  • Liên kết tạo sự phát triển khu công nghiệp

    Liên kết tạo sự phát triển khu công nghiệp

    19:30, 26/11/2021

THU DUYÊN